Thứ Sáu, 11/10/2024 04:31 SA
Làm thế nào để phòng bệnh sán lá gan lớn hiệu quả?
Thứ Hai, 22/06/2009 14:00 CH

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Phú Yên đã có hơn 70 trường hợp mắc bệnh sán lá gan được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cao điểm trong tháng 4, có đến 29 trường hợp. Bệnh sán lá gan gây tổn thương đến chức năng gan, ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Vậy làm thế nào để phòng tránh được bệnh sán lá gan?

 

Chị T.T.P, 43 tuổi ở Phú Diễn, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) nhập viện ngày 5/6 trong tình trạng đau bụng, khám kỹ bệnh cho thấy có tụ máu dưới bao gan. Chị cho biết, chị hay ăn ngổ sống, rau sống được hái lên từ mương nước gần nhà. Không chỉ riêng chị P, nhiều bệnh nhân khác như C.V.Đ ở phường 9, P.A.C ở Phú Thạnh (TP Tuy Hòa),  Đ.T.T.N ở Chí Thạnh (huyện Tuy An)… cũng nhập viện trong tình trạng diễn biến nặng.

 

Bác sĩ Trần Minh Tâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết, bệnh sán lá gan không tập trung ở lứa tuổi nào và ở vùng nào rõ ràng. Điều đó cho thấy, tình trạng ăn uống không kiêng cữ các loại rau thủy sinh hiện đang được người dân dùng rộng rãi. Để chẩn đoán và điều trị bệnh này, bác sĩ Tâm cho biết, trước hết, bệnh nhân phải được siêu âm gan. Tiếp theo, xét nghiệm máu để làm công thức bạch cầu, xét nghiệm ELISA để phát hiện sán lá gan lớn, lấy phân xét nghiệm tìm trứng sán lá gan lớn.  Thời gian theo dõi người bệnh điều trị tại cơ sở y tế ít nhất ba ngày, khám lại định kỳ sau 3 và 6 tháng điều trị.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Lãm, khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, người ăn phải các loại rau thủy sinh (loại rau mọc hoặc trồng dưới nước) như cải soong, rau cần, rau ngổ, rau đắng, rau muống ao, uống nước lã có ấu trùng sán lá gan lớn có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Tình trạng bệnh lý phụ thuộc thời gian mắc bệnh, vị trí ký sinh và phản ứng của người bệnh. Khi ấu trùng xuyên qua thành ruột gây xuất huyết và viêm, các tổn thương có thể gây triệu chứng không rõ rệt. Sán chui vào cư trú ở tổ chức gan gây nên những thay đổi bệnh lý. Ký sinh trùng gây tiêu hủy các tổ chức gan lan rộng với các tổn thương chảy máu và phản ứng viêm, phản ứng miễn dịch. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp là đau hạ sườn phải (vùng gan), sốt, sụt cân, ậm ạch khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, đau thượng vị, mẩn ngứa, biểu hiện triệu chứng viêm đường mật, viêm gan thể u. Sán có thể di chuyển ra ngoài gan (chui ra khớp gối, dưới da ngực, áp xe đại tràng, áp xe bụng chân...). Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da, ho, khó thở... tràn dịch màng phổi. Thuốc được lựa chọn trong điều trị sán lá gan lớn hiện nay là triclabendazol. Tốt nhất là khi đã thấy các biểu hiện nghi ngờ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị. Khi người bệnh có các biểu hiện nhiễm khuẩn, viêm túi mật, áp-xe gan như đã mô tả, đồng thời có ăn rau sống, rau tái, đặc biệt là ở trong vùng đang có bệnh lưu hành, thì bệnh sán lá gan lớn là một bệnh cần phải nghĩ tới. Ngoài tổn thương ở gan, các tổn thương ở cơ quan khác cũng phải được quan tâm. 

 

Nguyên tắc phòng chống sán lá gan lớn là cắt đứt các mắt xích trong vòng đời của sán. Nhưng biện pháp hữu hiệu nhất là phối hợp giáo dục truyền thông không ăn sống rau thủy sinh, kết hợp với phát hiện bệnh nhân điều trị đặc hiệu. Đồng thời, diệt mầm bệnh trên súc vật bằng cách tẩy sán lá gan lớn định kỳ cho trâu, bò. Ngành Y tế  khuyến cáo, không ăn sống các loại rau mọc dưới nước, không uống nước lã. Biện pháp dự phòng áp dụng trong cộng đồng là quản lý, xử lý tốt phân của gia súc. Tiến hành tiêu diệt ốc trên diện rộng khi có dịch bệnh lưu hành.

 

Bệnh sán lá gan lớn (fascioliasis) do loài sán lá Fasciola hepatica hoặc Fasciola gigantica gây nên. Loại sán này chủ yếu ký sinh ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, lạc đà... và có thể ký sinh gây bệnh ở người. Sán ký sinh trong hệ thống gan mật, chúng đẻ trứng theo dịch mật xuống ruột và theo phân ra ngoài môi trường. Ở ngoài môi trường, trứng sán rơi xuống nước, nở thành ấu trùng lông và chui vào ốc thích hợp (ốc Lymnae), phát triển thành ấu trùng đuôi bơi tự do trong nước và bám vào rau cỏ thủy sinh. Người và động vật ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước lã có ấu trùng sán lá gan lớn sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn. Như vậy, nguồn bệnh từ động vật ăn cỏ và người bệnh gây ô nhiễm rau, cỏ và nguồn nước bởi các ấu trùng sán lá gan lớn và tạo nên chu kỳ khép kín.

 

VŨ HOÀNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek