Thứ Sáu, 11/10/2024 02:24 SA
Xây dựng vùng chuyên canh cây thuốc bản địa Phú Yên
Thứ Hai, 25/05/2009 15:02 CH

Nhu cầu sử dụng dược liệu trong công tác chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngày càng tăng, đặt ra nhiệm vụ cấp bách là xây dựng các vùng chuyên canh cây thuốc tại Phú Yên theo hướng công nghiệp hóa. Những vùng chuyên canh này sẽ cung cấp dược liệu tốt, an toàn, bảo đảm việc sản xuất thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân, bảo tồn và phát triển những cây quý bản địa, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động.

 

trong-thuoc-nam.jpg

Trồng thuốc nam tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên - Ảnh: T.THỦY

 

CÂY THUỐC TỰ NHIÊN BỊ KHAI THÁC CẠN KIỆT

 

Theo đánh giá ban đầu của các lương y trong tỉnh, Phú Yên có hơn 2.000 loại cây thuốc nam, trong đó nhiều loại cây có giá trị làm dược liệu cao như sa nhân, phòng kỳ, sài hồ, vàng đắng, thạch hộc, lan gấm, trầm hương, cam khẹt, kim tiền thảo, rong mơ… Phú Yên cũng được đánh giá là nơi có nhiều loại dược liệu tích lũy các hoạt chất tương đối cao như dừa cạn, sa nhân… Thời gian qua, phần lớn dược liệu ở Phú Yên được thu hái, chuyển đi tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; phần nhỏ được các thầy thuốc đông y và người dân sử dụng tại địa phương theo phương thức chế biến truyền thống. Việc thu hái mang tính tự phát, thiếu căn cứ khoa học về mùa vụ, độ tuổi, bộ phận thu hái, khả năng hồi phục… gây cạn kiệt nguồn tài nguyên; dược liệu được bán rất rẻ.

 

Lương y Nguyễn Hữu Dư, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban chuyên môn Hội Đông y Phú Yên nói: “Những năm 1980 - 1990, rừng Phú Yên có hàng trăm cây thuốc, nhiều người dân khai thác đem bán cho các tiệm thuốc đông dược trong tỉnh. Với những cây như cam khẹt, quế… họ chặt tận gốc để cây ngã xuống rồi hái trái, lấy cành. Như vậy, phải mất 5 - 10 năm sau, cây mới lớn lên, cho quả. Mặt khác, nhiều dược liệu quý trong các khu rừng tự nhiên nay đã cạn kiệt vì nạn phá rừng”. Ông Dư còn cho biết, một số dược liệu quý hiếm ở Phú Yên chưa được chú ý như mẫu lệ (vỏ hàu ở đầm Ô Loan), nhung nai.

 

Còn ông Trần Minh Châu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên nói: “Phú Yên là một trong những vùng có các loài sa nhân mà chủ yếu là sa nhân tím. Cây này có ở hầu hết các cánh rừng tự nhiên trong tỉnh. Đây là vị thuốc quý chuyên trị các bệnh đường ruột, đã được sử dụng lâu đời và là một trong những dược liệu có giá trị xuất khẩu ổn định nhất”. Tuy nhiên, rừng tự nhiên đang bị tàn phá nghiêm trọng và sa nhân đang bị khai thác tự do nên ngày càng thu hẹp về diện tích.

 

PHÁT TRIỂN NGUỒN DƯỢC LIỆU

 

Theo bà Lê Thị Tuyết Anh (Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung), để bảo tồn cây thuốc mọc tự nhiên, Phú Yên cần phải điều tra quy hoạch những vùng có cây thuốc mọc tập trung, xác định được những cây thuốc có nhu cầu sử dụng cao, đề xuất thời gian khai thác phù hợp với khả năng tái sinh của cây (đối với cây dược liệu ngắn ngày). Còn đối với cây dược liệu đa niên, cần điều tra tài nguyên cây thuốc trong các khu rừng bảo tồn, rừng đặc dụng, xác định các cây thuốc quý để có kế hoạch bảo vệ và phát triển; lựa chọn một số loài cây thuốc có giá trị cao như các loài sa nhân, thổ phục linh, bình vôi, phòng kỳ, cam đắng…, đi sâu vào nghiên cứu nhân giống, phát triển kỹ thuật gieo trồng tại các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các vùng rừng đệm để vừa bảo tồn vừa nâng cao đời sống của người dân trong vùng. Tỉnh cần tổ chức tập huấn cho cán bộ kiểm lâm, cán bộ trực tiếp quản lý rừng về nhận dạng cây thuốc, giá trị y dược học, kinh tế của cây thuốc và phương pháp bảo tồn. Việc tập huấn, giới thiệu sẽ do Mạng lưới lâm sản ngoài gỗ, Viện Dược liệu hoặc Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung đảm nhận. Địa phương cũng cần xây dựng và thành lập trung tâm bảo tồn nguồn gien cây dược liệu. Đây là nơi bảo tồn, cung cấp giống dược liệu quý hiếm cũng như kỹ thuật phát triển nhiều cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.

 

Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên đã tiến hành dự án “Phát triển vùng nguyên liệu cây sa nhân tím phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tại huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên”. Dự án được thực hiện trên diện tích 40 ha tại 3 xã vùng cao nguyên Vân Hòa, kịp thời trồng, khoanh nuôi bảo vệ và có những biện pháp tích cực để bảo tồn nguồn gen quý này. Ngoài ra, dự án còn tạo thêm giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao và đa dạng cây trồng cho tỉnh.

 

Hiện Công ty TNHH Hồng Đài Việt thuộc Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung, ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) có dự án trồng diệp hạ châu và cây tần lá dày. Theo lương y Nguyễn Hữu Dư: “Đây là một mô hình trồng, sản xuất dược liệu mang tính khoa học, có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng để sản xuất thuốc trị bệnh thay thế thuốc ngoại nhập và xuất khẩu”.

 

MINH CHÂU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek