Thứ Năm, 10/10/2024 03:26 SA
Gia đình - chỗ dựa của người nhiễm HIV
Thứ Năm, 01/06/2006 08:28 SA

Cầm trên tay kết quả xét nghiệm HIV dương tính, cả thế giới dường như sụp đổ. Nếu không có sự an ủi, động viên của những người thân, người nhiễm HIV khó lòng vượt qua cú sốc này. Gia đình là chỗ dựa vô cùng quan trọng trong cuộc chiến trực diện với căn bệnh thế kỷ.

 

060601-PhamThiHue.jpg

Ảnh minh họa

Đến giờ, chị T. vẫn còn nhớ như  in cảm giác bàng hoàng, tuyệt vọng mà chị đã trải qua, sau khi biết mình nhiễm HIV. “Cả nhà đều sốc - chị kể - Mẹ tôi nói nuôi con đến hơn 40 tuổi, giờ nhìn con chết”. Quả thật, cha mẹ chị T. không thể hiểu vì sao “cơn ác mộng thế kỷ” lại hiện hữu trong ngôi nhà vốn rất đầm ấm, nền nếp của mình. Chị T. làm việc trong một cơ quan nhà nước, hiền lành, vui vẻ, siêng năng. Bạn bè trang lứa đã đuề huề con cái, chị mới mặc áo cưới. Chồng chị cũng là người chăm chỉ, hiền lành, hết lòng thương yêu vợ. Chị đã có những ngày tháng hạnh phúc, cho đến khi biết mình nhiễm HIV. “Tôi thường chạy vô nhà tắm, đóng chặt cửa và khóc” - chị nhớ lại thời kỳ khủng hoảng của mình. Chị không muốn trách móc chồng, người đã truyền căn bệnh thế kỷ. Anh đã đoạn tuyệt với quá khứ lầm lỗi, đã vượt qua những giờ phút vật vã vì “nàng tiên nâu”. Ngờ đâu, quá khứ vẫn dai dẳng bám theo…

 

Suy sụp và tuyệt vọng, hai vợ chồng chỉ còn biết tựa vào gia đình. Không trách móc, dằn vặt, ba mẹ chị luôn tìm cách an ủi, động viên con. Sau khi chị T. xin nghỉ việc ở cơ quan, trong tay không có tiền bạc, hai vợ chồng hoàn toàn nương nhờ vào ba mẹ và mấy người em, đặc biệt là cô em gái. Sau những ngày tháng chống chọi, cuối cùng chồng chị T. xuôi tay trước căn bệnh thế kỷ. Nỗi đau này chưa nguôi thì nỗi đau khác ập đến, khi đứa con đầu lòng cũng bị AIDS cướp đi. Người phụ nữ hơn 40 tuổi này tưởng không còn nước mắt để khóc, không còn nghị lực để tiếp tục sống. Chị tâm sự: “Nếu không có chỗ dựa là gia đình, chắc tôi không thể nào sống được”.

 

Sau bao sóng gió, sau những mất mát và những nỗi đau, nụ cười lại nở trên môi người phụ nữ nhiễm HIV ở TP Tuy Hoà. Chị sôi nổi nói về công việc mới của mình, công việc của một tuyên truyền viên đồng đẳng. Nhưng nụ cười nhanh chóng tắt đi nhường chỗ cho nỗi lo âu. Chị kể, nhiều lúc tìm tới nhà người nhiễm rồi nhưng gia đình họ không tiếp. Họ nói thẳng: Đừng tới nhà tui nữa nghen, hàng xóm mà dị nghị là buôn bán không được! Họ sợ sự kỳ thị của bà con chung quanh. Có những phụ nữ, tới khi sinh con mới biết mình nhiễm bệnh từ chồng. Còn trường hợp chị A. thì khác. Người chồng Việt kiều, sau một thời gian trở về Mỹ mới báo cho vợ biết mình đã nhiễm HIV. Chị này mới sinh con được 6 tháng, đang ngày đêm mong mỏi sớm có thuốc chữa được bệnh AIDS.

 

Sau 2 tháng tham gia nhóm Giáo dục đồng đẳng, đến nhà nhiều đối tượng nhiễm HIV, chị T. nhận thấy: Thường thì chồng bị nhiễm là vợ và những đứa con sinh trong thời gian sau này cũng nhiễm. Vì vậy, phải thuyết phục làm sao cho họ chịu đi xét nghiệm, để biết và có cách phòng ngừa cho những người chung quanh. Chị cũng không ngại khi nói lên sự thật về bản thân mình, để họ thấy rằng dù đã nhiễm virus của căn bệnh thế kỷ, song không phải mọi thứ đã kết thúc. Vì vậy, không thể cứ ngồi đấy mà rầu rĩ, buông xuôi. Chị bảo: “Không có bệnh gì bằng bệnh tư tưởng. Và gia đình chính là liều thuốc hiệu nghiệm nhất để điều trị “bệnh” này”.

 

*     *

*

 

Đến thời điểm này, TP Tuy Hoà đã phát hiện 38 ca nhiễm HIV (trong đó có 28 nam, 10 nữ) với nhiều thành phần: tiểu thương, thợ, nông dân, nội trợ… Người nhiễm trong độ tuổi từ 20 - 50 chiếm đa số; chỉ có 2 người dưới 20 tuổi, 1 người trên 50 tuổi. Trong số đối tượng trên có 13 đối tượng nhiễm HIV qua đường máu, 14 đối tượng bị lây do quan hệ tình dục, 11 ca không rõ nguyên nhân. Thành phố đã có 13 người chết vì AIDS.

Đa phần người nhiễm HIV ở TP Tuy Hoà sống trong cảnh nghèo; nhiều người trong số họ đã lập gia đình. Bác sĩ Phạm Đức Tâm, cán bộ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên cho biết: Trung tâm vừa triển khai đợt tư vấn cho các đối tượng nhiễm HIV và gia đình của họ, song chỉ có 6/11 gia đình đồng ý cho tiếp cận. Những gia đình khác tỏ ra e ngại, không muốn người của Trung tâm hoặc đồng đẳng viên đến nhà, vì sợ hàng xóm biết chuyện, sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn, buôn bán. Trong số 6 đối tượng mà những người làm công tác phòng chống AIDS gặp gỡ tại nhà, chỉ có 1 người đang bệnh, số còn lại vẫn khoẻ mạnh, làm việc bình thường. Điều đáng mừng là họ được gia đình quan tâm chăm sóc. Vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để vợ hoặc chồng người nhiễm HIV chịu đi xét nghiệm. Sắp tới, khi tiếp cận với gia đình các đối tượng này trên địa bàn, ngoài tài liệu tuyên truyền, bao cao su, thuốc sát khuẩn, những người làm công tác phòng chống AIDS còn mang theo test. Đối với các trường hợp đã chết thì  cán bộ vẫn đến, tư vấn cho gia đình họ. Chỉ tiêu đặt ra là vận động 100% thân nhân (vợ, chồng, con) người nhiễm làm xét nghiệm HIV để biết và có cách ngăn ngừa…

 

Người nhiễm HIV vẫn sống trong một thời gian dài, nếu được chăm sóc tốt về tinh thần lẫn thể chất. Và nếu được gia đình quan tâm, thông cảm, yêu thương, họ sẽ vơi bớt mặc cảm, không có những hành động thiếu kiểm soát, như vậy sẽ góp phần hạn chế sự lây lan của đại dịch. Chính vì thế, vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng trong cuộc chiến âm thầm nhưng rất đỗi cam go này.

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek