Thứ Sáu, 11/10/2024 12:20 CH
Phú Yên tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch
Thứ Hai, 04/05/2009 07:14 SA

Ngành Y tế Phú Yên triển khai trong toàn ngành về công tác chủ động, sẵn sàng phòng chống dịch cúm A (H1N1), trong khi ngành Thú y duy trì các đường dây nóng phòng chống dịch, triển khai phun thuốc tiêu độc khử trùng các khu vực chăn nuôi gia súc.

 

phun-090503.jpg
Phun thuốc tại các điểm tập trung - Ảnh: LY KHA

 

Ngày 3/5, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Minh Hưởng cho biết, theo yêu cầu của Cục Y tế Dự phòng và Môi trường, Sở Y tế đã triển khai đến các huyện và y tế cơ sở sẵn sàng, chủ động phòng chống dịch cúm A (H1N1). Theo đó, người dân và cán bộ y tế cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Người dân không nên đi đến các vùng đang có dịch. Nếu bắt buộc đi đến các khu vực này, phải áp dụng các biện pháp phòng hộ nghiêm ngặt. Ngành Y tế cũng sẽ sớm triển khai  đường dây nóng, thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tiếp nhận thông tin về tình hình dịch cúm, để tư vấn cho người dân không bị hoang mang. Đồng thời, Sở Y tế Phú Yên tiếp tục yêu cầu các đơn vị khẩn cấp triển khai thực hiện tốt một số nội dung nhằm thực hiện theo các yêu cầu của công văn hỏa tốc số 2509/BYT-KCB ngày 28/4/2009 của Bộ Y tế về việc “Cấp bách tăng cường công tác điều trị và phòng chống dịch cúm A (H1N1)”.

 

Ngoài ra, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND tỉnh Phú Yên kiện toàn và duy trì hoạt động Ban chỉ đạo chống dịch; thành lập các đội thường trực cấp cứu cơ động để kịp thời hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu. Tại mỗi cơ sở khám chữa bệnh thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch bệnh, có các phương án cụ thể để phục vụ bệnh nhân trong mọi tình huống. Chủ động và sẵn sàng về giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế; bố trí nhân lực phù hợp để kịp thời tiếp nhận điều trị bệnh nhân, không để lây lan dịch và hỗ trợ tuyến dưới. Tổ chức tốt khu vực cách ly điều trị bệnh dịch, thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp xử lý chất thải y tế và các biện pháp phòng bệnh. Hệ thống y tế dự phòng và các cấp, các ngành có liên quan tăng cường giám sát dịch tễ, truyền thông giáo dục sức khỏe để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp, không để bùng phát dịch.

 

Hôm nay (4/5), Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thanh Trúc và Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Như Phận tham dự giao ban trực tuyến  do Bộ Y tế tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) về vấn đề cấp bách tăng cường công tác điều trị và phòng chống dịch cúm A (H1N1). Tiếp nhận những vấn đề mới từ giao ban, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch tại địa phương. 

 

* Phó chi cục trưởng Chi cục Thú Y Phú Yên Đỗ Thị Đậu cho biết ngành đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là bệnh cúm A (H1N1) như: Kiểm soát chặt chẽ đàn heo, vệ sinh chuồng trại, phun thuốc, hóa chất phòng bệnh ở những nơi đã từng xảy ra dịch bệnh heo tai xanh.

 

Chi cục Thú y tỉnh thông báo 2 số điện thoại nóng 057.3800115 và 057.3823276 để kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin. Chi cục duy trì các trạm kiểm dịch động vật ở các chốt giáp ranh với các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định.

                

VŨ HOÀNG – HOÀI NAM

 

Triệu chứng ra sao? Phòng tránh thế nào?

 

TRIỆU CHỨNG BỆNH CÚM A (H1N1)

 

Theo các nhà chuyên môn, cúm A (H1N1) bùng phát là do một loại virus cúm heo mới lây từ người sang người và có thể xảy ra ở những người hoàn toàn không hề tiếp xúc với heo. 

 

Cúm A (H1N1) không có các triệu chứng đặc trưng. Các triệu chứng lâm sàng của cúm A (H1N1) rất giống cúm ở người. Người bệnh thường có triệu chứng sốt, ho, đau họng, đau đầu, run và mệt mỏi. Ở một số bệnh nhân còn xảy ra tiêu chảy, nôn. Đây là những triệu chứng không điển hình, có thể gây nhầm lẫn trong việc chẩn đoán bệnh. Do đó, cần làm một số xét nghiệm và dựa trên các yếu tố dịch tễ để đưa ra chẩn đoán phân biệt.

 

Nếu bạn có những triệu chứng cúm như đã nêu trên thì nên ở nhà. Khi ho hoặc hắt xì hơi nên dùng giấy lau che miệng và mũi lại, sau đó vứt giấy vào thùng rác và rửa tay để tránh nguy cơ lây lan cho người khác. Nếu bạn đang lưu hành tại vùng dịch tễ nơi đang có cúm A (H1N1) thì nên đến trạm y tế để khám.

 

Đường lây của virus cúm A (H1N1) cũng tương tự các virus cúm thông thường ở người. Người bệnh có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết ra của người bệnh hoặc heo bệnh. Ví dụ: nước dãi từ mũi, miệng, các hạt đờm văng ra khi bệnh nhân ho. Theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Mỹ (CDC), người bị cúm A (H1N1) có khả năng lây bắt đầu một vài ngày trước khi có triệu chứng lâm sàng và kéo dài cho đến 6-7 ngày sau khi khỏi bệnh.

 

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG CÚM A (H1N1)

 

Ngày 2/5, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt các biện pháp sau để phòng chống dịch cúm A (H1N1):

 

1. Thực hiện tốt 4 biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với dịch tiết hầu, họng; sử dụng thường xuyên thuốc sát trùng đường mũi họng; làm thông thoáng nơi ở, hạn chế sử dụng điều hòa. Khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng thì cách ly với mọi người và không đến nơi tụ tập đông người, tốt nhất là ở nhà để phòng cho người khác không bị mắc bệnh.

 

2. Người dân không nên đi đến các vùng đang có dịch. Nếu bắt buộc đi đến các khu vực này, phải áp dụng các biện pháp phòng hộ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cán bộ y tế nơi đến.

 

3. Các hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch trong vòng 7 ngày qua phải theo dõi sức khỏe bản thân và thông báo với các cơ quan y tế để được tư vấn, theo dõi theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế.

 

4. Khi có hiện tượng nhiều người bị cúm hoặc viêm phổi nặng, nghi ngờ cúm A (H1N1) thì thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đồng thời thông báo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989.671.115, Fax: 043 7366 241, Email: baocaodich@gmail.com.

 

Trước đó, chiều tối 29/4, Bộ Y tế đã chính thức ban hành phác đồ chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H1N1) ở người. Có 3 týp virus cúm là A, B và C, trong đó virus cúm A hay gây đại dịch. Các chủng virus có thể thay đổi hàng năm. Bệnh cúm A (H1N1) lây truyền từ người sang người, diễn biến lâm sàng đa dạng, có nhiều trường hợp nặng, tiến triển nhanh, dễ dẫn tới tử vong. Việc chẩn đoán được dựa vào yếu tố như: sống hoặc đến từ vùng có dịch cúm A (H1N1); tiếp xúc gần với người bệnh, nguồn bệnh nghi ngờ, hoặc đã xác định mắc cúm A (H1N1). Ngoài ra còn một số biểu hiện khác như: sốt trên 38 độ C, các triệu chứng về đường hô hấp, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy.

 

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cúm A (H1N1) biến thể bao gồm cả gien heo, gien người và cúm gia cầm. WHO chưa tìm thấy loài cúm biến thể này trên gien súc vật. Vì vậy, thịt heo không phải nguồn lây lan, ăn thịt heo an toàn. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo: “Người dân không nên chế biến, sử dụng thịt heo bệnh và heo chết trong bất kỳ trường hợp nào”.

 

QUỐC THANH (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek