Thứ Bảy, 30/11/2024 14:29 CH
Bác sĩ Hoàng Khắc Linh, Trưởng trạm Chuyên khoa Lao tỉnh Phú Yên:
Tăng cường phát hiện bệnh nhân mới đẩy lùi được bệnh lao
Thứ Hai, 23/03/2009 19:00 CH

“Phòng chống lao bằng sức mạnh của hệ thống y tế cơ sở” là chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3) năm nay. Theo đó, nhiều hoạt động thiết thực sẽ được triển khai tại y tế cơ sở để góp phần nâng cao tỉ lệ phát hiện bệnh nhân lao. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với bác sĩ Hoàng Khắc Linh, Trưởng trạm Chuyên khoa Lao tỉnh Phú Yên về vấn đề này.

 

x-quang-lao.-090323.jpg

Đọc ảnh chụp X-quang phát hiện bệnh lao - Ảnh: T.THỦY

 

* Thưa bác sĩ, tình hình mắc bệnh lao hiện nay ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng như thế nào?

 

- Bệnh lao đã được phát hiện từ năm 1882 và các nhà khoa học cũng đã tìm ra rất nhiều thuốc đặc hiệu chữa trị căn bệnh này. Song đến nay, hàng năm  trên thế giới vẫn có gần 3 triệu người chết do lao.

 

Bệnh lao ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Theo đánh giá của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ người mắc lao hiện nay ở Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới. Ở Phú Yên, trung bình mỗi năm phát hiện khoảng 800 bệnh nhân, nhưng số người dương tính với bệnh ngày càng cao, hiện ở mức 550 trường hợp/năm. Toàn tỉnh đang quản lý 1.320 bệnh nhân. Số người chết vì lao chiếm khoảng 25/100.000 dân. Như vậy, ở Phú Yên, mỗi năm có trên 200 người chết vì lao. Tình trạng lây nhiễm HIV làm tăng gánh nặng cho chương trình phòng chống lao. Người nhiễm HIV có khả năng mắc lao cao hơn 50% so với người bình thường.

 

Theo chương trình chống lao quốc gia, số người mắc lao trong cộng đồng còn nhiều hơn con số thống kê được, ước tính trên 30%. Điều đó chứng tỏ khả năng phát hiện bệnh lao trong cộng đồng còn hạn chế; công tác phát hiện bệnh nhân lao đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

 

* Tỉ lệ điều trị khỏi bệnh lao ở Phú Yên hơn 95%, cao hơn mức trung bình của cả nước (90-92%) là nhờ đâu, thưa bác sĩ?

 

- Ở Phú Yên, tỉ lệ điều trị khỏi bệnh cao do hệ thống kiểm tra giám sát tốt từ tỉnh đến xã, thôn trong công tác phát hiện người có khả năng bệnh để điều trị. Rất nhiều người hiểu được bệnh lao và quy trình điều trị. Đối tượng quản lý trong chương trình điều trị chấp hành tương đối tốt. Bệnh nhân uống thuốc đều, được cán bộ giám sát điều trị đủ 8 tháng. Khi bệnh nhân đến khám được tư vấn kỹ. Trong quá trình điều trị, chương trình cấp cho bệnh nhân và gia đình một quyển sổ tay bỏ túi nói về bệnh lao và cách điều trị. Bên cạnh đó, những năm gần đây nhờ áp dụng điều trị lao theo chương trình DOTS, đã điều trị được những trường hợp khó.

 

Kết quả điều trị khỏi cao là một thành công, song hiện khả năng kháng thuốc của lao đang có xu hướng gia tăng, gây trở ngại lớn cho chương trình. Bên cạnh đó, công tác phát hiện chưa đạt yêu cầu, số bệnh nhân lao trên thực tế cao hơn ước tính, cần tăng cường phát hiện thì mới đẩy lùi bệnh. Việc bệnh lao lây lan ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, hạnh phúc gia đình. Có thể nói nhiều người chưa thật sự chuyển đổi hành vi. Khi biết mình mắc bệnh, họ tự đi mua thuốc để điều trị, chữa bệnh không đều, không đủ thời gian. Có bệnh thì uống, khỏe thì nghỉ chứ không uống thuốc đúng liệu trình. Chính những người này trở thành nguồn lây nguy hiểm.

 

* Sắp tới, chương trình phòng chống lao ở Phú Yên có cách nào đẩy mạnh công tác phát hiện bệnh lao?

 

- Quy trình lấy mẫu đàm ở người nghi lao được huyện Tuy An áp dụng thành công. Trong nhiều năm qua, công tác phát hiện bệnh lao ở địa phương này chỉ đạt 66% so với mức trung bình của tỉnh. Từ khi triển khai công tác phát hiện người nghi lao tận thôn, y tế thôn sau khi biết được một số triệu chứng nghi mắc bệnh lao thì phát hiện người có nhiều khả năng mắc lao, lập danh sách, cấp cốc đàm, hướng dẫn người bệnh cách lấy đàm rồi mang đàm đến trạm y tế xã vào ngày quy định. Mỗi đợt một cán bộ y tế thôn có trách nhiệm phát hiện 4-5 người có dấu hiệu nghi lao; một năm mỗi xã làm 4-5 đợt. Cán bộ y tế xã và cán bộ tổ lao huyện có trách nhiệm lập kế hoạch ngày lấy đàm, thu gom đàm về trung tâm y tế dự phòng để làm xét nghiệm.

 

Với tinh thần vì sức khỏe cộng đồng, việc thực hiện tốt quy trình lấy mẫu đàm đã đem đến kết quả đáng khích lệ: số người xét nghiệm đàm đã tăng từ 430 (năm 2007) lên 669 (năm 2008), tăng 56%. Số bệnh nhân được phát hiện tăng từ 89 bệnh nhân (năm 2007) lên 107 bệnh nhân (năm 2008). Quy trình lấy mẫu đàm góp phần nâng cao khả năng phát hiện bệnh lao ở Tuy An. Trạm Chuyên khoa Lao tỉnh Phú Yên triển khai quy trình này ở các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Đồng Xuân trong năm 2009. Hy vọng với quy trình này, khả năng phát hiện bệnh nhân sẽ được nâng cao, góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh.

 

* Ông có thể đưa ra một vài lời khuyên với người mắc bệnh lao?

 

- Lao là một bệnh mãn tính, thời gian điều trị dài, nếu không tuân thủ đúng phác đồ điều trị thì rất nguy hiểm, khả năng kháng thuốc cao, dễ chết người. Người bệnh có những biểu hiện như ho ra máu, khó thở, cần đến khám tại bệnh viện. Bệnh nhân phải uống thuốc đúng quy định, điều trị trong 8 tháng. Khi có dấu chứng nghi ngờ lao nên đến với chương trình, kết quả điều trị rất tốt, thuốc có tại trạm y tế và không tốn tiền. Nếu người thân mắc bệnh thì hãy động viên, không nên xa lánh họ vì sau khi điều trị khỏi, họ không lây bệnh.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

THU THỦY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek