Chủ Nhật, 06/10/2024 15:28 CH
Vắc xin sởi và phòng chống bệnh sởi
Thứ Hai, 16/02/2009 07:25 SA

Bệnh sởi là một bệnh sốt phát ban cấp tính, dễ lây và có những biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, bệnh sởi vẫn còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Bệnh sởi tuy nguy hiểm song có thể phòng được bằng vắc xin sởi.

 

tiemngua-090216.jpg
Tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi  - Ảnh: ST

 

Đối tượng tiêm phòng

 

Hàng năm, nước ta có khoảng 2 triệu trẻ em từ 9 - 11 tháng được tiêm một liều vắc xin sởi miễn phí tại các trạm y tế xã, phường hay các điểm tiêm chủng khác. Đó là chưa kể số trẻ được tiêm trong các chiến dịch tiêm mũi 2 hay tiêm chống dịch tại vùng nguy cơ cao. Nhưng đó mới chỉ là đối tượng được tiêm miễn phí. Tiêm phòng sởi không chỉ nên tiêm cho trẻ em mà còn được lựa chọn và chỉ định cho tất cả những người chưa có miễn dịch đối với bệnh sởi (ví dụ như chưa từng mắc bệnh sởi và chưa tiêm phòng vắc xin sởi bao giờ), trừ trường hợp chống chỉ định.

 

Bản chất vắc xin sởi và các loại vắc xin hiện đang được sử dụng

 

Vắc xin sởi là vắc xin sống, giảm độc lực. Điều đó tức là trong vắc xin có chứa virus sởi sống, đã được làm yếu đi. Khi tiêm vắc xin, một lượng tương đối nhỏ virus được đưa vào cơ thể, sau đó nhân lên trong cơ thể và tăng lên tới mức đủ lớn để kích thích gây đáp ứng miễn dịch. Do đó, tất cả các yếu tố gây tác hại do virus sởi trong lọ vắc xin (ví dụ nhiệt độ, ánh sáng) hoặc các yếu tố cản trở sự nhân lên của virus trong cơ thể (ví dụ sự lưu hành của kháng thể) có thể làm cho vắc xin mất tác dụng. Chính vì vậy, cán bộ y tế cần lưu ý đặc biệt khi bảo quản các vắc xin này, tránh để tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng và nhiệt độ cao. Trước khi tiêm phải đợi cồn khô tại nơi tiêm, không sát khuẩn lại sau khi tiêm.

 

Vắc xin sởi thường được sử dụng dạng đơn giá (chỉ có vắc xin sởi) hoặc được kết hợp với vắc xin sống giảm độc lực khác (quai bị, rubella). Vắc xin đơn giá hiện nay được dùng trong dự án Tiêm chủng mở rộng và được tiêm miễn phí cho trẻ. Vắc xin đa giá (sởi - quai bị - rubella) thường khá đắt tiền, do đó hiện nay chỉ được dùng tại các điểm tiêm chủng dịch vụ và thường để tiêm cho trẻ trên một tuổi. Vắc xin sởi có thể tiêm riêng hoặc cũng có thể tiêm cùng lúc với vắc xin bất hoạt khác mà không bị ảnh hưởng lẫn nhau. Chỉ lưu ý là khi tiêm các vắc xin khác nhau thì không được dùng chung kim bơm tiêm, phải tiêm ở vị trí khác, tốt nhất là ở chi khác của trẻ. Cũng cần đặc biệt lưu ý là tiêm vắc xin sởi phải cách tiêm vắc xin sống giảm độc lực khác (ví dụ như vắc xin thủy đậu) ít nhất là 4 tuần.

 

Hiệu quả tiêm phòng và tính an toàn

 

Vắc xin sởi là một vắc xin an toàn và có hiệu quả cao. Sau khi tiêm một mũi vắc xin, miễn dịch chủ động sẽ được tạo ra cho > 95% số người được tiêm nếu tiêm mũi 1 lúc trên 1 tháng tuổi, có thể có tác dụng bảo vệ kéo dài suốt đời. Tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ 2 có tác dụng chủ yếu để bảo vệ những người tiêm lần một bị thất bại, nâng mức độ bảo vệ lên trên 99%.

 

Phản ứng phụ sau tiêm vắc xin sởi thường nhẹ. Chúng thường xảy ra từ 5 - 12 ngày sau khi tiêm vắc xin và xảy ra ở những người nhạy cảm với nhiễm trùng. Khoảng 5% - 15% số trẻ nhạy cảm đó bị mệt mỏi, sốt tới 39,5oC sau khi tiêm vắc xin từ 7 - 12 ngày và các triệu chứng này kéo dài 1 - 2 ngày, nhưng không đáng ngại. Đôi khi xuất hiện phát ban, vào khoảng 5% số người được tiêm vắc xin phối hợp sởi - quai bị - rubella. Viêm sổ mũi, ho nhẹ có thể gặp.

 

Lịch tiêm vắc xin sởi

 

Trước đây, vắc xin sởi chỉ được tiêm một mũi duy nhất. Một số vụ dịch ở Mỹ cho thấy trên 50% số mắc sởi xảy ra ở trẻ từ 5 - 9 tuổi mà đã được gây miễn dịch bằng một mũi vắc xin sởi. Sự thất bại của việc gây miễn dịch bằng một mũi cơ bản có thể là nguyên nhân chủ yếu của các vụ dịch bùng nổ sau này. Để giảm số thất bại sau khi tiêm một mũi vắc xin, theo khuyến nghị của Ủy ban Tư vấn thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ (ACIP), lịch tiêm vắc xin sởi thường xuyên được áp dụng là 2 liều, liều đầu tiên vào lúc 12 - 15 tháng tuổi hoặc có thể chậm hơn một chút và liều thứ 2 nên tiêm vào lứa tuổi đi học 4 - 6 tuổi.

 

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến nghị nên đưa mũi 2 vắc xin sởi vào trong tiêm chủng thường xuyên để tiến tới loại trừ sởi. Vì vậy, hướng tới chiến lược loại trừ sởi ở Việt Nam vào năm 2010, tại nước ta hiện nay, mũi 1 vắc xin sởi được chỉ định tiêm cho trẻ từ 9 - 11 tháng tuổi. Tiêm mũi 2 cho trẻ 6 tuổi là độ tuổi vào lớp 1. Ngoài ra, vắc xin sởi còn được tiêm trong các chiến dịch tiêm đồng loạt trong những năm trước đây và tiêm chống dịch tại vùng nguy cơ cao.

 

Một số lưu ý khác

 

Chống chỉ định tiêm vắc xin: Những người mắc bệnh thiếu hụt miễn dịch hoặc ức chế đáp ứng miễn dịch như bệnh bạch cầu, u bạch huyết, bệnh ác tính toàn thân hoặc những người được điều trị những loại corticosteroid, tia xạ, các thuốc kiềm hoặc chống chuyển hóa cơ bản thì không tiêm vắc xin virus sống.

 

Không chống chỉ định tiêm vắc xin đối với người nhiễm HIV hoặc bị bệnh AIDS lâm sàng bởi vì những người này có nguy cơ cao bị mắc sởi nặng. Những bệnh nhân đang mắc bệnh cấp tính nặng có hoặc không có sốt phải tạm hoãn tiêm vắc xin sởi cho đến khi họ qua khỏi giai đoạn cấp tính của bệnh. Những bệnh sốt nhẹ như tiêu chảy hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thì không có chống chỉ định.

 

Chống chỉ định tiêm với những người có cường mẫn cảm với neomycine. Theo thường quy thực hành tiêm vắc xin sởi thì phải thử phản ứng cẩn thận trước khi gây miễn dịch cho những người có phản ứng quá mẫn đối với trứng. Đối với phụ nữ có thai, về nguyên lý cơ bản thì không được tiêm vắc xin sởi sống giảm độc lực. Tiêm vắc xin sống về mặt lý thuyết có thể có nguy cơ làm tổn hại thai nhi nếu người phụ nữ có thai trong vòng một tháng sau khi nhận vắc xin sởi đơn giá hoặc trong vòng 3 tháng sau khi nhận vắc xin sởi - quai bị - rubella.                     

 

(SK&ĐS)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek