Thứ Hai, 07/10/2024 07:30 SA
Phú Yên tiếp tục là tỉnh “trắng” bệnh phong
Thứ Hai, 05/01/2009 11:00 SA

Trước đây, bệnh phong được coi là một trong tứ chứng nan y. Ngày nay, có nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả, góp phần ngăn chặn hiểm họa của căn bệnh này. Với Phú Yên, nhờ làm tốt công tác phát hiện trong cộng đồng và điều trị nên đã đạt hiệu quả cao trong loại trừ bệnh phong.

 

benh-phong-090105.jpg

Nạo vét lỗ đáo ở chân bệnh nhân phong tại Trung tâm Da liễu Phú Yên – Ảnh: P.V

 

Giám đốc Trung tâm Da liễu Phú Yên Lê Đức Thuận, cho biết: Năm 2008 là năm thứ hai Phú Yên được công nhận loại trừ bệnh phong với tỉ lệ lưu hành 0,046/10.000 dân, tỉ lệ phát hiện 0,57/100.000 dân, tỉ lệ tàn tật độ II ở bệnh nhân phong mới: 0%. Phú Yên nằm trong số 40 tỉnh loại trừ bệnh phong trong cả nước.

 

Thành công chính là nhờ triển khai phân vùng dịch tễ theo xã, phường, thị trấn từ vùng 1 đến vùng 4 theo mức độ cao dần của tỉ lệ lưu hành bệnh. Sau đó, tổ chức điểm khám và điều tra theo sự ưu tiên các xã có tỉ lệ lưu hành bệnh cao như vùng 3, vùng 4, đồng thời kết hợp thực hiện chiến dịch vừa truyền thông vừa tổ chức khám để nâng cao kiến thức và sàng lọc bệnh.

 

Một phương pháp hiệu quả để phát hiện bệnh nhân phong trong cộng đồng được áp dụng là phát phiếu in hình ảnh các triệu chứng bệnh đến từng hộ gia đình để họ tự đối chiếu. Nhìn vào những hình ảnh trên phiếu thăm dò, nếu nghi ngờ mình mắc bệnh phong hoặc da liễu, mọi người sẽ ghi yêu cầu của mình vào phiếu.

 

Sau khi nhận được yêu cầu, Trung tâm Da liễu sẽ trực tiếp gặp người bệnh, lập hồ sơ bệnh án, cấp phát thuốc điều trị ngay tại địa phương. Theo ông Thuận, việc phát hiện bệnh nhân phong qua phiếu có hình ảnh sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí, giảm tối đa việc bỏ sót bệnh nhân (do mặc cảm không đi khám). Cùng với phương pháp khám truyền thống (khám tiếp xúc, khám theo cụm dân cư...), cách làm này sẽ giúp kiểm soát tốt hơn bệnh phong ở các vùng sâu. Với 224.275 lượt khám và điều tra trong năm 2008, toàn tỉnh chỉ phát hiện 5 bệnh nhân phong. Điều đáng ghi nhận là không bệnh nhân nào có biểu hiện tàn tật độ II.

 

Không chỉ làm tốt khâu phát hiện bệnh trong cộng đồng, Trung tâm Da liễu Phú Yên còn thực hiện tốt khâu điều trị. Hiện trung tâm quản lý 183 bệnh nhân - những người phải chăm sóc suốt đời. Ngoài tập vật lý trị liệu, nạo vét lỗ đáo, điều trị các cơn phản ứng phong nặng để phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong, trung tâm còn cung cấp giày, kính, bảo hộ lao động cho các bệnh nhân này. Ngoài ra, trung tâm còn có sự trợ giúp của các bác sĩ Bệnh viện Phong - Da Liễu Quy Nhơn đi về các xã miền núi để khám và chỉnh hình cho những người bị co ngón, mắt nhắm không kín…

 

Bác sĩ Lê Đức Thuận cho biết: “Bệnh phong không dễ lây nhiễm. Chỉ những người thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (thầy thuốc tại các trung tâm khám chữa bệnh phong hoặc vợ, chồng, con cái của bệnh nhân phong) mới dễ lây nhiễm nếu không biết cách phòng ngừa. Bệnh phong ngày nay được điều trị khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng nếu phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị”.

 

Trước đây, khi nhìn thấy bệnh nhân phong với những tổn thương đặc trưng như cụt ngón chân, ngón tay, mọi người thường có tâm lý xa lánh, kỳ thị... Bệnh nhân phong giờ không còn bị kỳ thị. Anh L.V.T (phường 4, TP Tuy Hòa) ngày ngày vẫn chạy xe ôm; anh T.T.B (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa)  làm ruộng kiếm sống nuôi gia đình; các anh B.T.H, L.T.L (huyện Tuy An) gắn bó hàng ngày với nghề làm lưới, mành…

 

Hướng tới một xã hội không có bệnh phong và nâng cao chất lượng sống cho gia đình người có bệnh phong, Trung tâm Da Liễu Phú Yên kêu gọi các tổ chức từ thiện giúp đỡ về kinh tế, tạo điều kiện về công ăn việc làm cho người bệnh và con cái họ để những người mắc phải căn bệnh này hòa nhập cộng đồng.

 THU THỦY

 

CÁCH NHẬN BIẾT BỆNH PHONG

Người mắc bệnh phong có những dấu hiệu như mất cảm giác, thường gặp ở chân tay. Vì vậy, khi bị bỏng, bị châm chích không thấy đau. Ngoài ra, dấu hiệu trên da cũng rất khác: có những nốt bạc màu trên da, hoặc những nốt to, tròn, ở giữa mất cảm giác. Một số cục dưới da xuất hiện là do tổn thương dây thần kinh phình to lên. Có khi bệnh nhân bị loét trên da kéo dài mà không có cảm giác đau và không ngứa. Cũng có những người da mặt dày cộm, nổi cục hoặc dái tai dày, ngắn và vuông. Lông mày rụng, lúc đầu ở phía ngoài sau đó rụng toàn bộ. Khi bệnh đang tiến triển, người bệnh có thể bị liệt chân, tay. Các ngón chân, ngón tay có thể dần dần bị cụt, trở thành những mỏm cụt.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek