Thứ Hai, 07/10/2024 15:17 CH
Giun móc
Thứ Hai, 15/12/2008 13:00 CH

Hỏi: Tôi bị vàng da, hay mệt mỏi chóng mặt, chích nhiều thuốc bổ gan, bổ máu vẫn không thấy đỡ, có người bảo bị giun móc. Làm sao biết được bệnh và bệnh này có nguy hiểm gì không, có phải do tôi ăn nhiều rau sống không, thưa bác sĩ?

                

(Phan Thị Mai, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa)

 

Trả lời: Giun móc là một loại giun tròn nhỏ, kích thước chỉ bằng sợi chỉ, dài khoảng 10mm, ký sinh ở phần đầu ruột non. Giun bám vào thành ruột, một mặt hút máu để sống, mặt khác làm chảy máu tại chỗ bám, đồng thời tiết chất độc ngăn cản tủy xương tạo máu mới làm người bệnh bị thiếu máu một cách từ từ. Do cách thiếu máu như vậy nên người bệnh ít cảm nhận được, và thường chỉ nghi bệnh khi đã ở giai đoạn nặng.

 

Thiếu máu ở mức độ nhẹ chỉ cảm thấy người mệt mỏi, kém tập trung. Thiếu máu nặng hơn làm khả năng lao động giảm; ngồi xuống đứng dậy thấy chóng mặt; môi, đầu lưỡi nhợt nhạt; tóc, móng tay mỏng, dòn, dễ gãy; da màu vàng khô. Vàng da, thiếu máu do giun móc thường bị nghi là bệnh gan. Đa số người đi khám bệnh do sợ bệnh gan chứ không nghĩ mình bị giun móc.

 

Chẩn đoán bệnh bằng xét nghiệm phân tìm trứng giun móc; xét nghiệm máu để đánh giá mức độ thiếu máu. Phòng xét nghiệm nào cũng có thể làm được các xét nghiệm này. Tuy nhiên dựa vào các triệu chứng trên có thể chẩn đoán gần đúng bệnh. Dù sao cũng nên đi khám để xem còn mắc bệnh gì khác không. Điều trị bệnh khá đơn giản, chỉ cần xổ giun, uống 1 viên Mebendazole (Fugacar, Tataca) 500mg hoặc viên Mebendazole (100mg mỗi ngày uống 2 viên  chia 2 lần, trong 3 ngày).  Điều trị thiếu máu bằng viên sắt (ví dụ viên Ferovit, ngày 1 viên uống trong vài tuần) bệnh sẽ khỏi; trường hợp thiếu máu nặng, có thể truyền máu.

 

Về phòng bệnh: Trứng giun móc theo phân ra ngoài, trứng có thể tồn tại nhiều tháng trong đất. Gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng chui qua da và theo đường mạch máu để đến trưởng thành và sống tại ruột. Giun móc không lây qua đường ăn uống. Trẻ con chơi trên đất, người làm ruộng, vườn, rẫy đi chân đất, ở vùng nông thôn (thiếu nhà vệ sinh) dễ bị nhiễm giun móc hơn. Để phòng giun móc, điều quan trọng là thực hiện vệ sinh môi trường: mỗi nhà cần có một hố xí hợp vệ sinh, không đi tiêu ngoài đồng, bãi, như vậy trứng giun móc sẽ không có điều kiện phát tán trong môi trường.                 

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek