Thứ Ba, 08/10/2024 18:48 CH
Cảnh giác với bệnh tiêu chảy mùa hè
Thứ Năm, 04/05/2006 15:06 CH

Bệnh tiêu chảy do nhiều nguyên nhân gây ra, có nguyên nhân dễ gây thành dịch (người trong cùng một gia đình hoặc trong cùng một địa phương cùng mắc một loại bệnh), nhất là trong mùa hè. Do đó chúng ta nên đặc biệt cảnh giác trong ăn uống, vệ sinh môi trường... để loại trừ bệnh.

Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy nhưng một số nguyên nhân thường gặp nhất sau đây:

060504-nuoc-uong.jpg

Uống nước đun sôi để nguội để phòng bệnh tiêu chảy mùa hè

- Tiêu chảy do vi khuẩn: trong trường hợp này thường do ngộ độc thức ăn, nhất là mùa hè do thời tiết nóng bức nên uống nước lã, nước đá không được vô khuẩn, thức ăn ôi thiu, thức ăn để lâu ngày, ăn rau sống... Điển hình trong các loại khuẩn gây ngộ độc thức ăn là vi khuẩn tụ cầu vàng, vi khuẩn thương hàn (salmonella), vi khuẩn lỵ (shigella), vi khuẩn tả và vi khuẩn E.coli cũng là một tác nhân hay gặp trong tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ em. Khi tiêu chảy do những nguyên nhân đã kể trên thì triệu chứng rất rầm rộ, có khi rất nguy kịch.

- Tiêu chảy do virus: Trong các loại virus đường ruột thì điển hình và hay gặp nhất là rota virus. Có đến trên 40% tiêu chảy ở trẻ em là di virus này.

- Tiêu chảy do ký sinh trùng: Đối với ký sinh trùng đường ruột thì một số loài giun cần được quan tâm. Trong các loài giun thì hay gặp nhất trong bệnh gây tiêu chảy là giun đũa, giun kim. Ngoài giun ra một số loại nấm cũng có thể gây nên tiêu chảy, điển hình là nấm candida albicans.

Bên cạnh các căn nguyên vừa nêu trên, bệnh tiêu chảy còn có thể gặp do chế độ ăn uống không hợp lý hoặc dùng thuốc kháng sinh, nhất là kháng sinh đường ruột kéo dài... Trong bài viết này chỉ đề cập đến căn nguyên do vi sinh vật gây nên, đặc biệt hay gặp bệnh nhiễm khuẩn đường ruột vào dịp mùa hè.

Người ta chia 2 loại: tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mạn tính.

- Tiêu chảy cấp tính: Bệnh nhân đi ngoài nhiều lần, phân lúc đầu lỏng, sau chỉ có nước. Trong những trường hợp có tổn thương niêm mạc ruột (vi khuẩn lỵ) thì phân có lẫn máu và nhiều khi phân chỉ có nước màu hồng nhạt như nước rửa thịt hoặc lờ lờ máu cá.

Song song với tiêu chảy là đau bụng, buồn nôn hoặc nôn (đặc biệt nhất là ngộ độc thức ăn do tụ cầu vàng). Bệnh nhân ở trong tình trạng mất nước. Mất nước nhiều hay ít còn tùy theo lượng nước bị mất khi đi ngoài. Nếu mất nước nhẹ, bệnh nhân có thể chỉ thấy khát nước, hơi mệt mỏi.

Nếu mất nước nhiều (nặng): Khát nhiều, mắt trũng, môi khô, da lạnh, nhăn nheo, đái ít (có khi không đi đái), huyết áp tụt (có khi không đo được), mạch nhanh, nhỏ, khó bắt. Trong những trường hợp như thế này nếu không cấp cứu kịp thời rất dễ đưa đến tử vong, nhất là trẻ càng nhỏ càng nguy hiểm.

- Tiêu chảy mạn tính: Tiêu chảy mạn tính thường xảy ra trong nhiều ngày, nhiều tháng, có khi lâu hơn. Số lần không nhiều như tiêu chảy cấp tính nhưng do tiêu chảy kéo dài nên làm cho bệnh nhân ở trong tình trạng mất nước, mất điện giải triền miên, làm cho cơ thể suy sụp, ở trẻ rất dễ dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng nặng, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác và dễ đưa đến tử vong.

Nguyên tắc phòng và điều trị bệnh tiêu chảy

Như trên đã nói có rất nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy, hơn nữa có nguyên nhân dễ gây thành dịch (người trong cùng một gia đình hoặc trong cùng một địa phương cùng mắc một loại bệnh). Vì vậy muốn điều trị hay phòng bệnh có hiệu quả trước hết cố gắng tìm ra nguyên nhân gây nên tiêu chảy và giải quyết vệ sinh môi trường thật tốt.

Nguyên tắc phòng bệnh

- Luôn thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội.

- Dùng nước sạch để nấu thức ăn và nước uống.

- Không ăn thức ăn đã thiu, ôi.

- Tích cực diệt ruồi, nhặng bằng mọi hình thức như các biện pháp dân gian, hóa chất...

- Phải quản lý phân và chất thải của bệnh nhân thật tốt, nhất là các vùng nông thôn. Cố gắng phân phải được đổ vào hố xí tự hoại, bán tự hoại hoặc ít nhất cũng phải có hố xí 2 ngăn hợp vệ sinh, đúng quy cách.

- Đối với một số vùng hay xảy ra dịch bệnh như tả, thương hàn có thể tiêm phòng vacxin.

Nguyên tắc điều trị

Tìm ra nguyên nhân để giải quyết triệt để nguyên nhân gây ra tiêu chảy bằng kháng sinh thích hợp. Nếu làm được kháng sinh đồ để chọn kháng sinh thích hợp là điều lý tưởng nhất.

Song song với diệt mầm bệnh bằng kháng sinh thì bù nước và điện giải là một biện pháp hết sức cần thiết và phải kịp thời, đặc biệt trong bệnh tả. Trường hợp nhẹ, tiêu chảy do chế độ ăn uống thì nên dùng orezol.

Theo sức khỏe & đời sống

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đã có vaccine ngừa ung thư
Thứ Tư, 03/05/2006 08:54 SA
Ô nhiễm thực phẩm
Thứ Tư, 26/04/2006 14:48 CH
Món ăn chống háo trong mùa hè
Thứ Hai, 24/04/2006 09:40 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek