Thứ Ba, 08/10/2024 18:50 CH
Rượu bổ “ngâm nguyên con”, coi chừng!
Thứ Ba, 02/05/2006 11:29 SA

Trong việc dùng một số động vật để ngâm rượu làm món bổ, nhiều người hay mắc phải sai lầm là ngâm không đúng cách (chẳng hạn, người ta hay dùng rắn, tắc kè, bò cạp để nguyên con còn tươi ngâm rượu...). Điều đó, khiến cho một số bài rượu bổ trở thành món dễ gây độc!

 

“Nguyên con”, không tốt đâu!

 

060502-bocap.jpg
Bò cạp
Đối với món rượu ngâm tắc kè, trong thực tế người ta hay dùng cả con còn tươi đem ngâm rượu. Điều này, theo lương y Nguyễn Công Đức, giảng viên khoa Y học cổ truyền (Trường Đại học Y Dược, TP.HCM) là không đúng. Bởi, nếu để cả hai mắt tắc kè ngâm rượu sẽ dễ dẫn đến gây độc! Cách ngâm, chế biến rượu bổ tắc kè được thực hiện theo phương cách sau: Dùng một cặp tắc kè (một con đực và một con cái), chặt bỏ đầu từ 2 mắt trở lên, bỏ 4 bàn chân, nhúng vào nước sôi, cạo sạch lớp vảy ở lưng, lột da, mổ bụng, bỏ ruột, gan, nướng thật vàng thơm, nhớ giữ còn đuôi, tẩm rượu (hoặc mật ong). Nướng cho vàng đều (nếu dùng tươi). Nếu dùng dạng khô, thì mổ bụng, bỏ hết phủ tạng, lau sạch bằng giấy bản tẩm rượu. Lấy 2 que tre nhỏ dẹp, một căng thẳng 2 chân trước, một căng thẳng 2 chân sau. Lấy que tre nhọn 2 đầu khác xuyên qua đầu và đuôi, lấy chỉ cuộn đuôi lại để đuôi khỏi bị gãy, rồi đem phơi hay sấy (50 - 600C) thật khô. Kèm theo với 2 lít rượu nếp 40 độ, 80 gr đảng sâm, 10 gr huyết giác, 10 gr trần bì, 10 gr tiểu hồi và 40 gr đường cát. Tất cả những thứ trên đem ngâm để có bài rượu tắc kè, ngâm trong 30 ngày rồi lọc bỏ cặn lắng, đựng trong chai thủy tinh, bình sành, đậy kín để dành uống dần dần. Nếu chỉ ngâm mỗi tắc kè, không kèm theo các vị thuốc trên, thì ngâm 2 con trong 1 lít rượu gạo 40 độ, ngâm đủ 100 ngày thì dùng mới hiệu quả. Mỗi lần uống 1 ly nhỏ (chừng 30 ml), ngày 3 lần trước mỗi bữa ăn. Bài rượu tắc kè này có công dụng bổ phế, bình suyễn, bổ thận, tráng dương, dùng để chủ trị thận dương suy kém, đau lưng mỏi gối, tiểu đêm, hen suyễn (thể hư hàn).

 

Tương tự, trên thực tế rất nhiều người cũng mắc sai lầm khi chế biến bài "Tam xà tửu" - rượu rắn. Cái sai thường thấy đó là để nguyên xi con rắn vừa bắt được đem ngâm rượu! Điều này làm cho thịt rắn dễ bị thủy phân, tạo ra chất gây dị ứng cho cơ thể. Chính vì thế mà một số người sau khi uống rượu rắn hay bị ngứa là vậy! Cách làm đúng là rắn phải được lột da, chặt đầu, bỏ ruột và lấy riêng mật, chặt thành từng khúc rồi tẩm gừng, tẩm rượu ngâm ngay hoặc sấy khô. Thường người ta dùng bài rượu rắn theo phương cách sau: rắn hổ mang, rắn ráo, rắn cạp nong (mỗi loại một con chừng 200 gr) cùng với 80 gr cẩu tích, 120 gr kê huyết đằng, 80 gr ngũ gia bì, 80 gr thiên niên kiện, 30 gr tiểu hồi, 30gr trần bì (vỏ quít), 600gr đường cát trắng và 5 lít rượu gạo 40 độ, cồn 60 độ (loại cồn thực phẩm). Ngâm rắn 100 ngày với 5 lít cồn và vỏ quít, tiểu hồi tán thành bột. Cứ 10 ngày khuấy một lần. Sau 100 ngày gạn, ép, lọc lấy nước. Thông thường để tạo thẩm mỹ cho bình rượu rắn thì người ta chỉ bỏ lòng, ruột rồi để nguyên con xếp tròn trong bình, trước đó đã chuẩn bị sẵn (5 lít cồn 60 độ ngâm với bột tiểu hồi và trần bì bỏ trong túi vải ngâm 3 ngày lọc bỏ cặn lấy cồn) để ngâm rắn. Cẩu tích (củ cù lần) đốt cháy lông, thái nhỏ cùng với các dược liệu còn lại tán thành bột ngâm với 5 lít rượu gạo trong 10 ngày, khuấy hằng ngày rồi gạn, ép, lọc. Nấu nước đường, để nguội sao cho lượng nước đường với hai dịch ngâm trên vừa đủ 10 lít. Để lắng 2 ngày, gạn, lọc, lấy nước cho vào bình thủy tinh, sành, sứ đậy kín. Cứ mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ (30 ml) trước bữa ăn, để chủ trị bệnh tê thấp và đau nhức khớp xương, nhức gân, cơ, bán thân bất toại, chân tay đổ mồ hôi. Ngoài ra, còn dùng cho người có tuổi, lao động nhiều, đau nhức gân xương khi thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, phụ nữ có thai thì không được dùng.

 

Sai lầm thường gặp nữa là dùng nguyên con bọ cạp còn sống để ngâm rượu. Làm như thế, theo lương y Nguyễn Công Đức sẽ dễ gây độc, gây kích ứng dạ dày và dị ứng da khi sử dụng. Để có công dụng, nên bắt bọ cạp vào mùa xuân và mùa hạ. Dùng 100 gr bọ cạp khô ngâm với 1 lít rượu gạo 40 độ trong khoảng 20 ngày. Mỗi lần uống 1 ly nhỏ (20 ml), ngày 3 lần sau khi ăn, có công dụng trừ phong, trị động kinh, bị cấm khẩu, miệng méo... Không nên ngâm rượu bọ cạp còn sống chưa qua sơ chế; người gầy yếu, thiếu máu mà bị phong thấp thì không nên dùng...

 

Con nào ngâm với... cây gì?

 

Theo lương y Nguyễn Công Đức, động vật, thực vật có sẵn giống nhau. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là biết cách chế biến, phối hợp các loại động vật với những vị thuốc thì mới có được bài rượu bổ. Chẳng hạn, bài rượu hải mã chế biến, ngâm theo cách sau sẽ có công dụng bổ thận tráng dương (mạnh sinh lý, kích thích sự giao hợp, kéo dài thời gian giao hợp), điều khí hoạt huyết: Dùng 50 gr hải mã, mổ bỏ nội tạng, sao vàng, giã nát, 20 gr nhân sâm, 20 gr lộc nhung, 20 gr dâm dương hoắc, cùng với 50 gr ba kích, 20 gr đỗ trọng, 20 gr câu kỷ tử, 30 gr long nhãn, 20 gr ngưu tất, 10 gr phá cố chỉ và 5 lít rượu gạo 40 độ. Tất cả đem ngâm chung trong 15 ngày. Cứ 5 ngày thì lắc bình rượu một lần để hoạt chất tan đều. Chiết lấy rượu thuốc, ép bã thuốc cho ra hết rượu, để 2 ngày cho lắng cặn, lọc lấy rượu cho vào bình thủy tinh, hoặc bình sành, sứ đậy kín để dùng từ từ (ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ (30 ml), trước bữa ăn), để chủ trị liệt dương, di tinh, thần kinh yếu... Nhưng, không dùng cho phụ nữ có thai.

 

060502-haima.jpg
Hải Mã

 

Với món hải sâm, sở dĩ được đặt tên như thế là vì hải sâm cũng có những thành phần rất bổ dưỡng không kém gì nhân sâm. Rượu được ngâm từ hải sâm tươi cùng với tiểu hồi và trần bì sẽ có công dụng bổ thận, ích tinh, dưỡng huyết, nhuận táo, chủ trị những trường hợp tinh huyết hao tổn, suy nhược cơ thể, liệt dương, di tinh, mộng tinh, tăng cường sức đề kháng, nâng cao khả năng miễn nhiễm của cơ thể, chống mệt mỏi cơ bắp... Cách làm như sau: hải sâm tươi (200 gr) cùng 10 gr tiểu hồi, 10 gr trần bì và 2 lít rượu nếp loại ngon 40 độ. Giã nhuyễn tiểu hồi và trần bì rồi cho vào túi vải, cột chặt, ngâm với 2 lít rượu trong 3 ngày. Sau đó lọc, gạn, ép, bỏ bã lấy rượu, rồi đem ngâm với hải sâm trong 30 ngày, gạn, ép, lọc bỏ bã lấy rượu để lắng cặn, đậy kín để dùng từ từ trước mỗi bữa ăn, ngày 3 lần, mỗi lần chừng 30 ml (dùng hải sâm trắng còn tươi, mổ bỏ ruột, cạo mặt ngoài da cho trắng, rửa sạch, để cho ráo nước).

 

Ngoài ra, theo lương y Nguyễn Công Đức, y học cổ truyền thường dùng tổ mối chúa (giống như cái tô úp, màu vàng ngà hoặc nâu trên chỗ mối chúa ở), hoặc tất cả các con mối cả chúa, thợ, lính để trị bệnh. Loại rượu được ngâm từ mối cũng rất đặc biệt, có công dụng bổ khí huyết, giúp tăng sinh lực, thân thể cường tráng, làm mát huyết trừ nhọt độc. Mối chúa rất quý, hiếm, nên chọn con còn sống. Dùng 200 gr mối còn sống rửa sạch ngâm với 1 lít rượu gạo 40 độ, ngâm trong 10 ngày. Mỗi lần dùng 1 ly nhỏ (độ 20ml), ngày dùng 3 lần sau mỗi bữa ăn. 

 

Theo TNO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ô nhiễm thực phẩm
Thứ Tư, 26/04/2006 14:48 CH
Món ăn chống háo trong mùa hè
Thứ Hai, 24/04/2006 09:40 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek