Với suy nghĩ thuốc nam làm từ lá cây nên an toàn, không có chất gây hại, nhiều người bệnh đã tìm đến và xem thuốc nam như một loại “thần dược” để điều trị bệnh nói chung, các chấn thương, gãy xương hay bệnh về cơ - xương - khớp nói riêng. Tuy nhiên, không phải loại lá cây nào cũng vô hại và đều có thể dùng làm thuốc.
Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, khí hậu rất thuận lợi cho các loài thực vật phát triển. Tận dụng nguồn cỏ cây đa dạng đó, nhiều thế hệ người Việt đã sử dụng chúng vào việc điều trị bệnh. Từ thế kỷ XIV, thiền sư Tuệ Tĩnh - người đặt nền móng cho nền y học cổ truyền Việt Nam - với phương châm “Nam dược trị Nam nhân”, đã đưa việc sử dụng cây cỏ làm thuốc chữa bệnh lên thành ngành khoa học.
Tuy nhiên, nam dược hay tây dược (thuốc tây), đã là thuốc thì đều có thể gây những tác dụng không mong muốn, thậm chí là có hại, nhất là khi sử dụng không đúng cách.
Biến chứng do sử dụng không đúng cách
Thời gian qua, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng nặng do sử dụng thuốc nam không đúng cách trong điều trị các bệnh lý, chấn thương cơ - xương - khớp. Bà N.T.Đ, 77 tuổi, ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) nhập viện vì bị sưng tấy đỏ vùng ngực phải. Trước đó một tuần, bà bị đau nhói vùng ngực phải sau một cơn ho mạnh, đi khám ở phòng khám tư nhân được chẩn đoán rạn xương sườn số 5, 6, 7, 8 bên phải.
Bà đã tìm đến “thầy thuốc nam” để đắp lá (không rõ loại) với hy vọng giảm đau. Tuy nhiên chỉ 2 ngày sau, bà thấy vùng ngực phải sưng nhiều, tấy đỏ lan rộng dần. Bà được người nhà đưa đi khám và nhập viện. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị áp xe dưới da vùng thành ngực phải, đã tiến hành phẫu thuật, tháo mủ, để hở da. Sau gần 1 tuần điều trị, vùng ngực hết sưng, vết mổ đang lên mô hạt đỏ, chuẩn bị khâu đóng mép da.
Trường hợp khác là ông L.C.D, 69 tuổi, ở phường 3 (TP Tuy Hòa). Hai tháng sau khi bị tai nạn giao thông, ông D vẫn còn đau vai phải. Đi khám ở phòng khám tư, ông được chẩn đoán gãy xương đòn phải. Sau đó, ông tìm đến phương pháp dán “thuốc nam” cho đỡ đau và mau lành xương. Tuy nhiên sau vài ngày, ông bị sốt, vùng vai phải sưng lên nhiều, sờ thấy nóng.
Đi khám và nghe theo đề nghị của bác sĩ, ông D nhập viện để điều trị. Ông được chẩn đoán bị áp xe vai phải, hủy xương đòn phải (do không phẫu thuật kết hợp xương đòn nên dần tạo ổ nhiễm trùng, tạo mủ chèn ép gây hủy xương). Bệnh nhân được phẫu thuật tháo mủ.
Trên đây là những ví dụ về biến chứng tại chỗ khi dùng thuốc nam sai cách. Có những trường hợp kém may mắn hơn khi thuốc gây biến chứng nặng ở các cơ quan nội tạng như gan, thận, phổi. Theo BSCKII Lê Hòa, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), khoa đã tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân suy đa tạng sau khi dùng thuốc nam, phải tiến hành thở máy và chăm sóc tích cực.
Không phải lá cây đều là thuốc
Với suy nghĩ thuốc nam làm từ lá cây nên an toàn, không có chất gây hại, nhiều người bệnh đã tìm đến và xem thuốc nam như một loại “thần dược” để điều trị bệnh nói chung, các chấn thương, gãy xương hay bệnh về cơ - xương - khớp nói riêng.
Tuy nhiên không phải loại lá cây nào cũng vô hại và đều có thể dùng làm thuốc. Việc trồng và thu hoạch cây thuốc không đúng cách (tồn dư thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu…), việc chế biến không đảm bảo an toàn (pha trộn tạp chất độc hại như chì, thủy ngân, asen…) hay bảo quản không đúng cách (xuất hiện nấm mốc) đều có thể sinh ra những độc tố ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh khi sử dụng thuốc nam.
Để hạn chế những tác hại không mong muốn do sử dụng thuốc nam cũng như thuốc tây, khi có vấn đề về cơ - xương - khớp như đau nhức chân tay, chấn thương, gãy xương…, bà con hãy đến các cơ sở điều trị có uy tín, đã được Sở Y tế cấp phép để được tư vấn, khám bệnh và điều trị chính xác, an toàn.
BSCKII VÕ CÔNG HIẾU
(Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên)