Từ giữa tháng 10/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp đầy đủ dữ liệu về sự gia tăng đột ngột bệnh hô hấp ở trẻ em tại khu vực phía Bắc quốc gia này.
Theo báo cáo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, sự gia tăng đột ngột các bệnh hô hấp ở trẻ em là do dỡ bỏ hạn chế đi lại (để phòng chống dịch COVID-19) và trùng thời điểm bùng phát cúm mùa.
Chu kỳ của các tác nhân gây bệnh cúm như Mycoplasma pneumoniae (viêm phổi do mycoplasma), virus tái tổ hợp gây bệnh hô hấp (RSV) và hội chứng viêm hô hấp cấp do SARS-CoV-2. Mycoplasma pneumonia và RSV được biết ảnh hưởng đến trẻ em nhiều hơn so với người lớn.
Nội dung trao đổi qua điện thoại giữa WHO và các lãnh đạo cơ quan phòng chống dịch bệnh Trung Quốc đều xác nhận nguyên nhân gia tăng các chùm ca bệnh đường hô hấp từ giữa tháng 10/2023 đến nay là do các tác nhân gây bệnh đã được báo cáo như trên, hoàn toàn không có nguyên nhân lạ nào khác hay tác nhân gây bệnh không xác định được.
Tại Việt Nam, khi các ca bệnh về đường hô hấp gia tăng đột biến ở Trung Quốc được thông tin rộng rãi, nhiều người không khỏi lo lắng. Bởi vì nước ta có biên giới chung với Trung Quốc khá dài, giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc hết sức nhộn nhịp. Bên cạnh đó, sau khi dỡ bỏ hạn chế đi lại, lượng du khách qua lại giữa hai nước rất lớn.
Hơn nữa, khí hậu, thời tiết ở Việt Nam và Trung Quốc khá giống nhau thì nguy cơ dịch bệnh (nếu có) xâm nhập vào nước ta là không hề nhỏ. Sự lo lắng của nhiều người hoàn toàn có cơ sở, nếu nhìn lại dịch SARS năm 2003, đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2019 đều bắt đầu bùng phát từ Trung Quốc.
Tuy nhiên chúng ta cũng hết sức bình tĩnh vì hiện nay đã có kinh nghiệm khi khống chế đại dịch mang tính toàn cầu. Mặt khác, hệ thống cảnh báo dịch của các quốc gia và của toàn thế giới hoạt động rất nhịp nhàng, nhanh nhạy, việc phát hiện và khống chế dịch bệnh ngay từ đầu là hoàn toàn thực hiện được.
Trong điều kiện nhiệt độ, khí hậu mùa đông xuân ở Việt Nam, số ca bệnh về đường hô hấp sẽ gia tăng so với mùa khác là hoàn toàn bình thường. Hơn nữa chúng ta cũng yên tâm khi WHO đã thông tin và đưa ra các khuyến cáo cụ thể cho các quốc gia và toàn cầu về phòng chống dịch bệnh hô hấp.
Vì vậy mỗi người, mỗi gia đình và các cộng đồng dân cư nên thực hiện tốt những khuyến cáo của cơ quan chức năng. Trước mắt, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp như: mang khẩu trang khi ra ngoài, tại nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; che mũi miệng khi hắt hơi, xì mũi; giữ khoảng cách với người bệnh; khi có các triệu chứng bệnh đường hô hấp thì không nên đến nơi đông người; nên tiêm phòng cúm và COVID-19 đầy đủ; có chế độ dinh dưỡng tốt để nâng cao thể trạng; vận động thể lực đều đặn, hợp lý; sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý như ngủ đủ giấc, không thức quá khuya hay dậy quá sớm; mặc ấm và giữ ấm cơ thể, nhất là miệng, mũi, cổ, ngực... Khi có các biểu hiện bất thường, người dân nên đến cơ sở y tế để được tư vấn.
BS NGUYỄN VINH QUANG