Thứ Ba, 08/10/2024 05:27 SA
Tiến sĩ Trần Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai:
Tăng cường phục hồi chức năng cho người khuyết tật
Thứ Hai, 03/11/2008 07:41 SA

Hội thảo Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Yên lần thứ nhất được tổ chức mới đây xác định: PHCN là vô cùng quan trọng đối với người khuyết tật. Báo Phú Yên đã phỏng vấn tiến sĩ Trần Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai về vấn đề này.

 

phcn-081103.jpg

Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại cộng đồng - Ảnh: T.THỦY

 

* Thưa tiến sĩ, đâu là những nguyên nhân dẫn đến khuyết tật và hậu quả của nó như thế nào?

 

 - Khuyết tật là tình trạng một người do khiếm khuyết hoặc do các điều kiện, tình trạng sức khỏe mà bị giảm chức năng hoạt động, hạn chế sự tham gia trong các mặt sinh hoạt, lao động, học tập, đời sống xã hội. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân khuyết tật thành 7 loại với các tên gọi khác nhau: khó khăn về vận động, khó khăn về nhìn, khó khăn về nghe, nói, khó khăn về học, động kinh, hành vi xa lạ, mất cảm giác. Nguyên nhân của khuyết tật là bệnh tật, chiến tranh và bạo lực, đói nghèo, trình độ học vấn và dân trí thấp, hệ thống chăm sóc sức khỏe phòng ngừa bệnh tật không tốt, gia tăng tai nạn thương tích, thảm họa môi trường tự nhiên, ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm.

 

Nếu khuyết tật không được PHCN và có các can thiệp kinh tế, xã hội kịp thời thì sẽ tác động tới tình trạng sức khỏe của cơ thể, các chức năng sinh hoạt cần thiết trong đời sống hàng ngày, khả năng tham gia các hoạt động xã hội của người khuyết tật kéo theo các tác động tới gia đình và xã hội.

 

Có 90% trẻ khuyết tật chết trước 20 tuổi. Người khuyết tật bị hạn chế về sức khỏe, tỉ lệ mắc bệnh, tử vong cao, không có vị trí trong gia đình và cộng đồng, bị coi thường, xa lánh và đối xử không bình đẳng; không có việc làm, thu nhập, dễ rơi vào cảnh đói nghèo. Các quyền cơ bản và sự tham gia xã hội của người khuyết tật bị hạn chế. Đối với gia đình, người khuyết tật là gánh nặng cả về vật chất và tinh thần. Với xã hội, người khuyết tật có thể làm giảm sức lao động và sản xuất của cải vật chất.

 

* Hiện có những hình thức PHCN nào giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng?

 

- PHCN là một trong bốn lĩnh vực hoạt động không thể thiếu trong chăm sóc sức khỏe toàn diện của ngành Y tế. Có ba hình thức PHCN cho người khuyết tật gồm PHCN dựa vào các trung tâm, các viện, PHCN ngoại viện và PHCN dựa vào cộng đồng.

 

PHCN dựa vào các trung tâm, các viện có chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực khác nhau, có trang thiết bị và phương tiện hiện đại nên phục hồi được các trường hợp khó. Tuy nhiên, hình thức này không phù hợp với thực tế ở cộng đồng, chi phí tốn kém, chất lượng phục hồi không đáp ứng tất cả các nhu cầu.

 

PHCN ngoại viện là chuyên gia PHCN ở các viện, trung tâm đến PHCN cho người khuyết tật tại cộng đồng trong một khoảng thời gian nào đó. Ưu điểm của hình thức này là số người khuyết tật được phục hồi nhiều hơn, từ 30% đến 40%; kỹ thuật phục hồi tốt, đáp ứng hầu hết nhu cầu của người khuyết tật; có sự tham gia tích cực của người khuyết tật và gia đình. Nhược điểm là không được thực hiện thường xuyên vì thiếu cán bộ chuyên khoa; chi phí tốn kém và thiếu sự tham gia của cộng đồng.

 

PHCN dựa vào cộng đồng là biến công tác PHCN thành công việc của cộng đồng, thông qua các tổ chức ở cộng đồng để xã hội hóa công tác phòng ngừa tàn tật và PHCN, được triển khai với sự phối hợp của chính người khuyết tật, gia đình họ và cộng đồng. PHCN dựa vào cộng đồng làm thay đổi nhận thức xã hội, để xã hội chấp nhận người khuyết tật như một thành viên bình đẳng.

 

Từ đó, trách nhiệm của cộng đồng là biến công tác PHCN thành một nhiệm vụ, một bộ phận của quá trình phát triển xã hội. Ưu điểm của hình thức này là tỉ lệ người khuyết tật được phục hồi cao, từ 70 đến 80%; chất lượng phục hồi được đảm bảo; người khuyết tật dễ có cơ hội hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng; chi phí ở mức có thể chấp nhận được.

 

Chương trình được lồng ghép và gắn kết chặt chẽ vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các tuyến và ở cộng đồng. Đồng thời, có thể giải quyết được tình trạng thiếu cán bộ chuyên khoa PHCN ở tuyến dưới. PHCN dựa vào cộng đồng là biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề tàn tật ở Việt Nam.

 

* Hướng phát triển của PHCN trong thời gian tới như thế nào để ngày càng nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe con người?

 

- Đầu tiên là tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe để nhân dân hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của PHCN trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, đặc biệt là phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp khuyết tật.

 

Tiếp tục củng cố và kiện toàn mạng lưới bệnh viện chuyên khoa điều dưỡng-PHCN trong toàn quốc, tiến tới tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước có bệnh viện chuyên khoa PHCN, tất cả các bệnh viện đa khoa thuộc tỉnh, thành phố có khoa PHCN. Tăng cường công tác đào tạo nhân lực, ứng dụng và phát triển các kỹ thuật cao về PHCN, mở rộng các chuyên khoa sâu theo hướng PHCN chuyên biệt cho từng loại bệnh với đội ngũ cán bộ chuyên môn đã được chuyên khoa hóa.

 

 Đào tạo cán bộ và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến trước, tạo điều kiện để mọi người đều được tiếp cận và hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao, thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh và PHCN. Đặc biệt, đẩy mạnh PHCN dựa vào cộng đồng, tăng cường hợp tác quốc tế về PHCN, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, từng bước hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế trong lĩnh vực phòng ngừa khuyết tật và PHCN.

 

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

THU THỦY (thực hiện)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek