Thứ Tư, 09/10/2024 05:25 SA
Phòng dịch sốt xuất huyết:
Phải dập ngay từ đầu!
Thứ Hai, 29/09/2008 14:30 CH

TP Tuy Hòa, Sông Cầu, Phú Hòa là những địa phương được đánh giá dập dịch sốt xuất huyết khá tốt trong những năm qua. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với các cán bộ trung tâm y tế dự phòng ở những huyện này về kinh nghiệm dập dịch.

 

sxh-tv-080929.jpg

Điều tra sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên – Ảnh: T.THỦY

 

Bác Sĩ Trần Văn Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Sông Cầu: DẬP DỊCH NGAY TỪ ĐẦU

 

Sông Cầu là địa phương có ổ dịch sốt xuất huyết lớn và đầu tiên của tỉnh  Phú Yên cách đây đã gần 10 năm. Sau đó, cứ đến năm của chu kỳ dịch, địa phương lại bị dịch sốt xuất huyết hoành hành. Từ những khó khăn trong phòng dịch, những người làm công tác dự phòng và chính quyền địa phương đã rút ra bài học là phải dập dịch từ đầu. Trong tháng 7 vừa qua, khi phát hiện có 2 ca sốt xuất huyết độ III ở thôn Tuyết Diêm (Xuân Bình), chúng tôi liền tiến hành xử lý ổ dịch nhỏ, đồng thời bám sát sự chỉ đạo của UBND huyện để phối hợp thực hiện. Khi có dịch thì bao vây dập dịch nhanh nhất, không nên giấu bệnh. Đặc biệt, Sông Cầu nghiêm cấm triệt để việc điều trị  sốt xuất huyết ở y tế tư nhân để tránh những trường hợp dẫn đến sốc nặng, gây tử vong đáng tiếc. Trong 3 năm qua, mặc dù năm nào Sông Cầu cũng có ca bệnh rải rác và có lúc rộ ở một vài nơi, nhưng nhờ làm tốt công tác dập dịch, nên dịch sốt xuất huyết không bùng phát.

 

Y sĩ Lữ Thị Thanh Xuân, phụ trách chương trình phòng chống sốt xuất huyết TP Tuy Hòa: CÁN BỘ Y TẾ DỰ PHÒNG PHẢI TIÊN PHONG

 

Hai tháng nay, ở TP Tuy Hòa trung bình mỗi tuần có 1-2 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh không bùng phát thành dịch là nhờ công tác giám sát, điều tra bệnh được tiến hành rất kỹ. Mỗi tuần, tôi đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên và Bệnh viện Đa khoa TP Tuy Hòa 3 lần để giám sát ca bệnh. Tại đó, tôi hỏi thăm cụ thể địa chỉ người mắc bệnh để xem xét và có hướng điều tra, xử lý. Khi phát hiện có ca bệnh tại cộng đồng, cán bộ y tế dự phòng TP Tuy Hòa tiến hành điều tra chỉ số muỗi ngay. Chúng tôi đến làm việc  trực tiếp với trạm y tế và UBND xã, phường để có kế hoạch xử lý ổ dịch nhỏ kịp thời. Đồng thời, huy động cán bộ trạm y tế xã, phường và y tế cơ sở cùng với dự phòng diệt bọ gậy, tổ chức tuyên truyền trong dân. Phải đi suốt cho đến khi không còn ca bệnh. Cán bộ phải kiên nhẫn, đừng nên bất mãn khi có sự phản ứng của dân. Chỉ làm như vậy, công tác phòng dịch những năm sau.

 

Bác sĩ Phạm Tấn Lập, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa: XỬ LÝ ĐÚNG QUY TRÌNH, DỊCH SẼ LUI

 

Chỉ cần nghe tại một cơ sở y tế nào trong huyện có ca mắc sốt xuất huyết, chúng tôi đến cơ sở đó và nơi ở của bệnh nhân để giám sát. Giám sát ca bệnh tại bệnh viện và tại cộng đồng giúp quản lý chặt chẽ nguồn lây bệnh. Trong tháng 8, bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh ở toàn huyện Phú Hòa với 19 ca mắc, trong đó chỉ riêng đội 9, thôn Mỹ Thành (xã Hòa Thắng) có tới 9 ca. Trước tình hình đó, chúng tôi đã chủ động giám sát, điều tra côn trùng và nhờ Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên phối hợp phun muỗi dập dịch. Chỉ sau 1 tuần, điều tra lại thì sốt xuất huyết không còn. Xử lý đúng quy trình thì dịch sẽ lui. Chúng tôi làm được điều này là do đã có kinh nghiệm chống dịch những năm trước và được sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của chính quyền địa phương, sự tham gia dập dịch  tích cực của các hội đoàn thể.

 

Để nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết thế nào?

 

Khi thấy trẻ có:

 

- Nóng sốt: Sốt cao đột ngột, kéo dài liên tục trong 2-7 ngày liền, khó làm hạ sốt

 

- Xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu nướu răng, vết bầm trên da.

 

Trường hợp nhẹ, trẻ có thể được chăm sóc tại nhà bằng cách:

 

-Hạ sốt: Bằng cách lau ấm hoặc dung thuốc Paracetamol (tuyệt đối không dùng Aspirin)

 

- Cho uống nhiều nước, nước trái cây hoặc dung dịch Oresol (nước biển khô)

 

- Cho ăn nhẹ: Cháo, súp, sữa

 

- Không cạo gió, cắt lể.

 

* Phải đưa trẻ đi bệnh viện ngay khi trẻ có các dấu hiệu nặng như: vật vả, li bì, đau bụng, ói mửa (nôn), tay chân lạnh.

 

Để diệt bọ gậy lăng quăng

 

Trong nhà:

 

Lăng quăng gây bệnh SD/SXH chỉ sống ở những nơi nước sạch. Do đó, cần phải để ý đến tất cả các vật chứa nước ở trong và ngoài nhà.

 

- Làm nắp đậy kín các lu khạp chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng

 

- Thường xuyên cọ rửa, thay nước rửa lu, khạp, bình bông ít nhất 1 tuần một lần.

 

-Thả cá ăn lăng quăng: dùng các loại cá nhỏ, có sẵn thả vào các lu, hồ chứa nước để ăn lăng quăng.

 

- Bỏ muối (hay đổ dầu cặn) vào các chén nước chống kiến ở chân tủ thức ăn

 

Ngoài nhà:

 

- Không để đọng nước trong các hốc cây, máng xối…

 

- Tổng vệ sinh môi trường, thu gom, hủy bỏ các vật chứa nước không cần thiết (vỏ xe cũ, chai lọ, mảnh lu khạp bể, gáo dừa…)

 

(Theo chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết- Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh)

 

DƯƠNG THU (thực hiện) 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mật ong trị chứng sổ mũi kinh niên
Thứ Hai, 29/09/2008 13:34 CH
Cách đề phòng nhiễm độc melamine
Thứ Hai, 29/09/2008 07:29 SA
Những chú ý với người mắc bệnh gút
Thứ Bảy, 27/09/2008 08:23 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek