Trong dịp tết cổ truyền, người dân chế biến, sử dụng nhiều loại thực phẩm hơn ngày thường. Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết nhằm bảo vệ sức khỏe các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người cao tuổi, cần được quan tâm.
Cẩn trọng từ việc lựa chọn đến chế biến
Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán sắp đến, các bà nội trợ cần lưu ý khi lựa chọn thực phẩm, nguyên liệu chế biến. Khi mua rau củ quả, các bà nội trợ nên chọn loại còn tươi, nguyên cuống, không dập nát, không có những đốm màu lạ hoặc khác nhau…; mua thịt, nên chọn loại có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, thịt khô, tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, màng ngoài nhớt, tránh các loại thịt có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.
Việc chế biến thực phẩm sao cho an toàn cũng cần được quan tâm, chú ý. ThS Lê Sỹ Kim, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên, khuyến cáo: “Bà con sử dụng nguồn nước sạch để chế biến thực phẩm; nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn. Trong quá trình chế biến, cần giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn, tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn, như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín, vì vậy cần phải sử dụng riêng biệt. Bà con thực hiện ăn chín, uống chín, nấu kỹ món ăn trước khi sử dụng, ăn ngay sau khi nấu xong; hạn chế sử dụng các sản phẩm thủy sản dạng tái, ăn sống. Thức ăn đã được nấu chín cần phải bảo quản, che đậy cẩn thận để tránh côn trùng và các động vật gây hại khác. Muốn giữ thức ăn hơn 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn dành cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng đồng hồ cần phải được đun kỹ lại”.
Ông Lê Sỹ Kim lưu ý bà con tuyệt đối không được ăn cá nóc, các loại thủy hải sản lạ, nấm lạ, nấm hoang dại - kể cả nấm màu trắng...; không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không ăn nấm đã bị dập nát, hư hỏng. Bà con cũng không hái nấm non chưa xòe mũ vì khi đó nấm chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc.
An toàn thực phẩm cho người cao tuổi
Trong dịp tết, nhiều người có xu hướng ăn quá nhiều thịt, mỡ, rim bánh... so với ngày thường, tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Ở người trẻ, hệ tiêu hóa thích ứng được nhưng người cao tuổi thì dễ bị đầy bụng, khó tiêu, thậm chí tiêu chảy. Người cao tuổi đang có các bệnh mãn tính như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu mà ăn uống quá nhiều chất như trên thì rất dễ dẫn đến đường huyết tăng quá mức, mỡ máu tăng. Bên cạnh đó, vào mùa tết, thức ăn nhiều nên một số gia đình thường cho vào tủ lạnh để dài ngày, rất dễ mất an toàn thực phẩm do nhiễm khuẩn dẫn đến tiêu chảy, đặc biệt là đối với hệ tiêu hóa của người cao tuổi. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên: Trong dịp tết, lễ hội, gia đình nên giữ chế độ ăn dành cho người cao tuổi như thường ngày, nếu có tăng thì tăng ít so với ngày thường và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mặt khác, không để người cao tuổi sử dụng quá nhiều các chất kích thích như cà phê, rượu, bia hoặc các loại nước ngọt, nước có ga vì những loại này cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người cao tuổi nếu họ dùng nhiều.
Để bảo vệ sức khỏe các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người cao tuổi, vào dịp tết, cần nâng cao hiểu biết và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.
Thực hiện ăn chín, uống chín, nấu kỹ món ăn trước khi sử dụng, ăn ngay sau khi nấu xong; hạn chế sử dụng các sản phẩm thủy sản dạng tái, ăn sống. Thức ăn đã được nấu chín cần phải bảo quản, che đậy cẩn thận để tránh côn trùng và các động vật gây hại khác. Muốn giữ thức ăn hơn 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn dành cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng đồng hồ cần phải được đun kỹ lại.
ThS Lê Sỹ Kim, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên |
YÊN LAN - VINH QUANG