Thứ Bảy, 21/09/2024 22:36 CH
Không chủ quan với sốt xuất huyết
Thứ Hai, 10/10/2022 11:00 SA

Phú Yên vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Cái chết của đứa trẻ 11 tuổi tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của căn bệnh truyền nhiễm cấp tính này.

 

Nhân viên y tế điều tra các chỉ số côn trùng tại huyện Tuy An. Ảnh: YÊN LAN 

 

Bệnh có những biến chứng nguy hiểm

 

Theo thông tin từ Sở Y tế, cháu D (sinh năm 2011, ở TX Đông Hòa) có dấu hiệu sốt từ ngày 26/9. Gia đình điều trị cho cháu tại nhà. Chiều 29/9, khi sốt xuất huyết (SXH) diễn tiến nặng, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên cấp cứu trong tình trạng sốc SXH, suy gan cấp. Dù được điều trị tích cực nhưng đến chiều 30/9, bệnh nhi tái sốc SXH, suy đa tạng không hồi phục và tử vong.

 

Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do SXH trên địa bàn tỉnh, tính từ đầu năm 2022 đến nay. Năm 2021, Phú Yên ghi nhận 2 trường hợp tử vong do SXH, bệnh nhân đều là trẻ em.

 

Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, SXH có những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ em, như: thoát huyết tương nặng làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến sốc SXH; xuất huyết nặng; chảy máu cam nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng; đông máu rải rác trong lòng mạch (do xuất huyết nặng); suy gan cấp, suy thận cấp, suy đa tạng, viêm cơ tim, suy tim...

 

BSCKII Nguyễn Thanh Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết ngành Y tế đã nhiều lần khuyến cáo: Khi mắc hoặc nghi ngờ mắc SXH, người bệnh phải được đưa đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán, điều trị và theo dõi; không điều trị tại nhà, đến khi bệnh diễn tiến nặng mới vào viện thì không thể xử trí kịp. “Ở bệnh SXH, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 kể từ khi khởi phát, nguy cơ diễn tiến nặng rất cao. Đây là khoảng thời gian nguy hiểm, bệnh nhân cần được theo dõi sát để xử trí kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Thanh Tĩnh lưu ý.

 

Ca mắc tăng gấp 5 lần

 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, tính đến tuần 39/2022 (ngày 2/10), toàn tỉnh ghi nhận 2.868 ca mắc SXH. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng gấp 5 lần (tăng 2.389 ca mắc, tương đương 498,7%), tăng ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Tuy An là địa phương có số ca mắc tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2021: 795 ca, tăng 12,5 lần; TP Tuy Hòa 424 ca, tăng 5,5 lần; huyện Phú Hòa 435 ca, tăng 4,7 lần; huyện Sông Hinh 310 ca, tăng 3,2 lần...

 

Biểu đồ theo dõi SXH theo tuần cho thấy số ca mắc SXH có chiều hướng gia tăng và tăng đột biến từ tuần 19 so với cùng kỳ năm trước, tăng cao nhất vào tuần 25 (tăng 202 ca mắc) và vượt qua giai đoạn trung bình 5 năm 2017-2021.

 

Từ đầu năm đến nay, 155 ổ dịch SXH đã được phát hiện tại 69/110 xã, phường trên địa bàn tỉnh, tăng 138 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2021. Các địa phương có số ổ dịch tăng cao là huyện Sông Hinh (ghi nhận 30 ổ dịch, tăng 24 ổ dịch), huyện Tuy An (ghi nhận 29 ổ dịch, tăng 28 ổ dịch), TP Tuy Hòa (ghi nhận 26 ổ dịch, tăng 23 ổ dịch), huyện Phú Hòa (ghi nhận 17 ổ dịch, tăng 16 ổ dịch).

 

Ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh SXH, điều tra côn trùng tại các xã trọng điểm và các huyện không trọng điểm; dự trù trang thiết bị, vật tư, hóa chất… phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh SXH; xử lý ổ dịch nhanh chóng, kịp thời; tăng cường truyền thông để người dân thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng).

 

“Không có bọ gậy thì không có sốt xuất huyết”

 

Trước diễn biến dịch bệnh SXH chưa giảm tại các địa phương cùng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã đề nghị các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai những hoạt động thiết thực đảm bảo công tác vệ sinh môi trường tại nơi ở, nơi làm việc, vệ sinh cá nhân phòng, chống dịch bệnh; tăng cường truyền thông để người dân thường xuyên kiểm tra, loại bỏ các vật liệu phế thải, vật dụng có thể chứa nước không sử dụng; phát hiện và diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thay rửa, đậy nắp kín..., không để muỗi đẻ trứng; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong việc thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy.

 

BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, cho biết: “Trong phòng, chống dịch bệnh SXH, giải pháp đơn giản, ít tốn kém nhưng hiệu quả nhất, là bà con diệt triệt để các ổ bọ gậy ở từng hộ gia đình. Một khi dịch bệnh bùng phát, y tế đến phun hóa chất cũng chỉ diệt muỗi trưởng thành; bọ gậy vẫn còn thì nó sẽ phát triển thành muỗi và tiếp tục lây bệnh, bởi tác nhân gây bệnh đã có sẵn. Vì vậy, mỗi gia đình cần thường xuyên kiểm tra các dụng cụ chứa nước trong nhà, đồng thời loại bỏ những vật liệu phế thải có thể chứa nước ở chung quanh nhà. Không có bọ gậy thì không có SXH”. 

 

Trong phòng, chống dịch bệnh SXH, giải pháp đơn giản, ít tốn kém nhưng hiệu quả nhất, là bà con diệt triệt để các ổ bọ gậy ở từng hộ gia đình. Mỗi gia đình cần thường xuyên kiểm tra các dụng cụ chứa nước trong nhà, đồng thời loại bỏ những vật liệu phế thải có thể chứa nước ở chung quanh nhà. Không có bọ gậy thì không có SXH.

 

BSCKI Biện Ngọc Tân,

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek