Đó là chủ đề của Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 18 do Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức, vừa diễn ra tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Tham dự đại hội có hơn 2.000 đại biểu là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ... chuyên khoa Tim mạch trong và ngoài nước, trong đó có 70 báo cáo viên quốc tế đến từ 11 quốc gia.
Dịp này còn diễn ra sự kiện hội nghị khoa học với 97 phiên báo cáo, 14 phiên thực hành, 12 phiên đào tạo liên tục, diễn ra tại 10 hội trường và được phát trên 10 kênh trực tuyến. Trong 3 ngày (7-9/10), các chuyên gia tim mạch hàng đầu trong nước và thế giới đã trình bày gần 600 bài báo cáo khoa học, đề cập đến hầu hết các lĩnh vực thuộc chuyên ngành Tim mạch. Trong khuôn khổ đại hội còn có cuộc thi Young Investigator Award dành cho các bác sĩ dưới 39 tuổi trong cả nước, có đề tài nghiên cứu thuộc chuyên ngành Tim mạch.
Tại đại hội, Hội Tim mạch học Việt Nam đưa ra 8 khuyến cáo và đồng thuận. Đây là những kiến thức chuyên môn mới nhất; các thầy thuốc có thể áp dụng trong quá trình khám và điều trị bệnh tim mạch.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tim mạch là do các rối loạn của tim và mạch máu, bao gồm bệnh mạch vành - nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim. Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, cứ 100 người chết thì có 33 người do bệnh tim mạch. Kiểm soát và khắc phục các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được sẽ góp phần đáng kể vào việc phòng ngừa, khống chế bệnh tim mạch.
QUỲNH NHƯ