Thời gian qua, nhiều người khi mệt mỏi, sốt virus, đặc biệt là sốt xuất huyết (SXH) thường tự truyền nước tại nhà hoặc sử dụng những dịch vụ y tế tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: HUY HOÀNG |
Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, đây là điều rất nguy hiểm, bởi không phải bệnh nhân nào cũng phải truyền dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong khoảng một tháng qua, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng rất nhanh. Dự báo dịch bệnh SXH tiếp tục bùng phát mạnh từ nay đến tháng 11 trên địa bàn Thủ đô. Hiện nay, thời tiết mưa nắng thất thường càng tạo điều kiện để các ổ dịch SXH phát triển và đã xuất hiện gần như tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Người nhiễm SXH tăng mạnh, nhiều người lựa chọn tự điều trị tại nhà. Dù được cảnh báo rất nhiều nhưng không ít người đã và đang sử dụng biện pháp truyền dịch tại nhà mỗi khi ốm, sốt hoặc cơ thể mệt mỏi mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế. Hậu quả là đã có không ít trường hợp gặp tai biến vì lạm dụng, tự ý truyền dịch.
Mới đây, Bệnh viện Thanh Nhàn đã cấp cứu một bệnh nhân 31 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Người nhà bệnh nhân chia sẻ, do bị sốt hai ngày, bệnh nhân đã nhờ y tá về nhà truyền dịch và có tiêm thuốc vitamin tổng hợp. Ngay sau khi tiêm, bệnh nhân vật vã kích thích, huyết áp không đo được, mạch nhanh, SpO2 đo 85%, kèm theo sốt rất cao lên tới 40 độ và tình trạng xấu đi rất nhanh.
Các bác sĩ đánh giá, đây là một trường hợp sốc phản vệ nặng với tỉ lệ tử vong cao. Được tiêm bắp 1/2 ống Adrenalin, các thuốc chống dị ứng nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn tiếp tục diễn biến nặng... May mắn là sau khi được lọc máu, áp dụng các phác đồ điều trị của Bộ Y tế, sau nhiều ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết: “Thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp sốc phản vệ với thuốc. Khi bệnh nhân được vào viện đều trong tình trạng nặng, suy hô hấp, tụt huyết áp, có tổn thương suy tạng, nhiễm toan chuyển hóa nặng và phải can thiệp lọc máu, thậm chí có trường hợp nặng phải can thiệp ECMO. Do đó, các bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch và truyền thuốc tại nhà bởi sốc phản vệ có thể đến bất cứ lúc nào”.
Theo các chuyên gia y tế, dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, vì vậy, liều dùng phải do bác sĩ chỉ định. Trước khi truyền, bệnh nhân cần phải khám tim, phổi, đo mạch... Ngoài ra, để đề phòng rủi ro, trước khi truyền, nhân viên y tế cần kiểm tra kỹ chất lượng dịch truyền, đồng thời lắc chai thuốc kiểm tra xem có vẩn đục hay không và chỉ dùng những chai thuốc trong suốt. Chỉ được truyền chai thuốc còn hạn dùng, thuốc đã mở nắp phải dùng ngay. Trong quá trình truyền dịch, người bệnh cần được theo dõi liên tục để đề phòng các tai biến xảy ra. Một số trường hợp chống chỉ định truyền dịch, như: Người bị suy thận cấp, suy thận mãn, suy gan, viêm gan nặng, chấn thương sọ cấp... Người dân không nên tự ý làm việc này mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám sức khỏe và có sự chỉ định của bác sĩ. Việc tự truyền nước tại nhà hoặc sử dụng các dịch vụ tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt của nhân viên y tế rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
(QĐND)