Thời gian qua, công tác quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, nhận thức và thực hành đảm bảo ATTP của người dân đã được nâng lên.
Báo Phú Yên phỏng vấn ThS Lê Sỹ Kim, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Phú Yên về công tác đảm bảo ATTP và những khuyến cáo hữu ích đối với người tiêu dùng.
* Thưa ông, ông có thể cho biết những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
- Công tác triển khai đảm bảo ATTP trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nhất là nhận thức và thực hành đảm bảo ATTP của người dân đã được nâng lên; số vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc cấp tính đã giảm đáng kể; từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về việc bảo đảm ATTP trong những năm qua được duy trì thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng các hình thức trực quan, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo ATTP. Hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP tiếp tục được tăng cường từ tỉnh đến xã, phường, đã tiến hành xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục ATVSTP Phú Yên đã tham mưu thành lập sáu đoàn kiểm tra, trong đó có hai đoàn kiểm tra liên ngành, bốn đoàn kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra 74 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, xử phạt 11 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 20,1 triệu đồng.
Chi cục ATVSTP Phú Yên cũng đã thành lập 10 đoàn giám sát thực hiện công tác giám sát, hướng dẫn đảm bảo ATTP tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở ăn uống, giải khát trên địa bàn tỉnh... Trong quá trình giám sát, đoàn có nhiệm vụ hướng dẫn kiểm thực ba bước, kiểm tra việc lưu mẫu thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm, ngăn chặn hoạt động chế biến thực phẩm của cơ sở khi phát hiện có nguy cơ gây ngộ độc và tổ chức thực hiện theo quy định của Luật ATTP và các luật khác có liên quan; không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
ThS Lê Sỹ Kim |
* Chi cục ATVSTP Phú Yên đã có những hoạt động nào để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác quản lý ATVSTP và điều tra ngộ độc thực phẩm, nhất là tuyến cơ sở?
- Để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác quản lý ATVSTP và điều tra ngộ độc thực phẩm, nhất là tuyến cơ sở, hàng năm Chi cục ATVSTP đều phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tổ chức tập huấn điều tra ngộ độc thực phẩm cho các cán bộ tuyến huyện; tổ chức tập huấn phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cho cán bộ xã, phường, thị trấn làm công tác ATTP; cập nhật kiến thức thực hành trong chế biến, bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, chi cục còn cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn do Cục ATTP tổ chức. Bên cạnh đó, hàng năm Chi cục ATVSTP tổ chức giám sát, hướng dẫn hoạt động đảm bảo ATTP ở địa phương.
* Theo ông, cần chú trọng những khâu nào để ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể?
- Để bảo đảm ATVSTP thì phòng ngừa ngộ độc thực phẩm luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, cơ quan và doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các bếp ăn chưa thực hiện tốt quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP; tăng cường và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP.
Người quản lý các bếp ăn tập thể cần thực hiện đầy đủ các quy định, điều kiện về bảo đảm ATTP trước khi đưa bếp ăn vào hoạt động; đầu tư cải tạo, nâng cấp và kịp thời sửa chữa cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu vệ sinh theo quy định; thường xuyên kiểm tra việc thực hành vệ sinh cá nhân của người chế biến thực phẩm; kiểm tra nguồn nước, giám sát việc nhập nguyên liệu, thực phẩm.
Người chế biến phải thường xuyên giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong chế biến, từ bỏ các thói quen mất vệ sinh như dùng tay bốc thực phẩm, xì mũi, ngoáy tai... Đồng thời phải mang khẩu trang, bảo hộ đúng cách; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch đúng cách sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với vật bẩn, trước và sau khi chế biến thức ăn. Rác, thức ăn thừa, nước thải phải được xử lý triệt để.
Thiết bị, dụng cụ chế biến phải được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, không để ruồi, kiến, gián, chuột, bụi tiếp xúc.
* Trong dịp tết Trung thu, Chi cục ATVSTP Phú Yên có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng trước những sản phẩm bánh trung thu được bày bán khắp nơi và làm những gì để đảm bảo ATVSTP?
- Trong dịp tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến. Bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu không có nguồn gốc xuất xứ. Để bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, thực hiện chỉ đạo của Cục ATTP - Bộ Y tế về việc tăng cường bảo đảm ATTP trong dịp tết Trung thu năm 2022 và chỉ đạo của UBND tỉnh, chi cục đã tham mưu Sở Y tế ban hành công văn chỉ đạo tăng cường bảo đảm ATTP tết Trung thu. Sở Y tế giao Chi cục ATVSTP phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế các huyện/thị xã/thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp tết Trung thu.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc thực phẩm: đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn, buồn nôn và nôn, ớn lạnh, sốt, đau cơ, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
* Xin cảm ơn ông!
Người dân chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định. |
YÊN LAN (thực hiện)