Uống thuốc không tuân theo chỉ định của bác sĩ có thể góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng và khiến việc điều trị thất bại...
1. Bỏ thuốc
Có rất nhiều lý do dẫn đến việc người bệnh bỏ thuốc điều trị. Nhưng người bệnh cần nhớ rằng, việc bỏ thuốc khiến bệnh không thể được điều trị hoặc điều trị dứt điểm mà có thể nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh. Ví dụ, bỏ thuốc điều trị tăng huyết áp có thể khiến huyết áp tăng đột ngột và dễ dẫn đến các tai biến nguy hiểm như đau tim, đột quỵ...
Giải pháp: Bất kể một bệnh nào khi đã khám và được kê đơn thuốc, người bệnh nên tuân thủ chỉ định uống thuốc của bác sĩ. Trong trường hợp nếu chi phí cho loại thuốc bạn được kê quá đắt đỏ, nên trao đổi với bác sĩ để có thể đổi loại thuốc khác với giá rẻ hơn.
2. Chia nhỏ thuốc
Không phải tất cả các viên thuốc đều có thể chia nhỏ được. Viên thuốc có thể chia nhỏ khi có vạch ngay trên mặt của viên thuốc. Việc chia nhỏ viên thuốc mà không có chỉ dẫn có thể dẫn đến việc người bệnh không nhận được đủ liều lượng (không trị được bệnh) hoặc quá liều (gây độc)...
Giải pháp: Nếu được hướng dẫn chia nhỏ các viên thuốc nhưng thuốc lại không có vạch chia, hãy thông báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể hoặc đổi thuốc khác.
3. Không uống thuốc hết đơn
Khi bệnh thuyên giảm, không còn triệu chứng, nhiều bệnh nhân tự bỏ thuốc, không uống hết đơn thuốc, nhất là thuốc kháng sinh. Điều này có thể khiến vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hẳn và các triệu chứng của bệnh có thể quay trở lại, thậm chí có thể trầm trọng hơn.
Chưa kể đến việc ngừng dùng thuốc kháng sinh sớm có thể là nguyên nhân khiến một số vi khuẩn phát triển tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Giải pháp: Uống hết toàn bộ liều thuốc kháng sinh được kê đơn. Cần trao đổi với bác sĩ xem cần dùng thuốc thế nào và trong thời gian bao lâu.
4. Tăng gấp đôi liều lượng
Nếu quên một liều, không nên hoảng sợ và tuyệt đối không được dùng tăng gấp đôi liều khi nhớ ra. Điều này có thể dẫn đến tác dụng phụ bất lợi. Ví dụ, tăng gấp đôi liều thuốc chẹn beta có thể khiến huyết áp giảm xuống quá thấp, nguy hiểm cho người bệnh.
Giải pháp: Bạn có thể dùng liều đã quên ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần đến thời gian dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và chỉ dùng liều tiếp theo vào thời gian đã định.
5. Dùng thuốc của người khác
Thuốc được kê cho từng trường hợp cụ thể với tình trạng bệnh, độ tuổi và cân nặng khác nhau... Do đó, đơn thuốc của người này không thể áp dụng cho người khác, bởi thuốc có thể không phù hợp với cơ địa và có thể gây những tác dụng không mong muốn, nguy hiểm.
Giải pháp: Tốt nhất khi bị bệnh, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế tin cậy để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định dùng thuốc phù hợp.
6. Quên uống thuốc
Tuân thủ dùng thuốc cũng là một cách để bệnh của bạn nhanh khỏi hơn. Tuy nhiên, quên dùng thuốc trở thành một thói quen có thể là một vấn đề khiến cho việc điều trị cũng như sức khỏe của người bệnh gặp nguy hiểm.
Giải pháp: Nên có người thân, hoặc người chăm sóc bên cạnh để nhắc uống thuốc hoặc dùng bao bì tiện lợi, có dán nhãn ngày và giờ cần dùng thuốc trong ngày.
7. Ngừng hoặc không dùng thuốc vì tác dụng phụ
Nhiều người bệnh đã tự ý ngừng dùng thuốc khi gặp phải hoặc đọc được danh sách các tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, việc tự ý ngừng dùng thuốc có thể khiến bệnh không được chữa khỏi mà còn có thể gây tác dụng phụ cho cơ thể. Ví dụ như thuốc trầm cảm mà dừng thuốc đột ngột có thể gây các triệu chứng cai nghiêm trọng.
Giải pháp: Cần trao đổi với bác sĩ về các tác dụng của thuốc trước khi sử dụng. Các bác sĩ sẽ có hướng xử trí để làm giảm các tác dụng phụ hoặc có thể kê một loại thuốc khác...
(SKĐS)