So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh tăng 149%. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH đã được tăng cường; riêng với người dân, diệt muỗi và bọ gậy triệt để tại từng gia đình vẫn là biện pháp căn cơ nhất.
Số ca mắc tăng cao
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên (Phú Yên CDC), tính đến ngày 19/6, toàn tỉnh ghi nhận 947 ca mắc SXH, 55 ổ dịch. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXH tăng 149%.
BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Phú Yên CDC cho biết, qua giám sát tại 3 địa phương có nhiều ca mắc, nhiều ổ dịch là huyện Tuy An, huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa, cán bộ y tế nhận thấy các chỉ số côn trùng vẫn còn cao; số ca bệnh trong cộng đồng, số ổ dịch tiếp tục tăng. Phú Yên CDC đã làm việc với cơ quan y tế tuyến xã và tuyến huyện, phân tích vì sao sau khi kiểm soát được COVID-19 thì SXH tăng mạnh.
“Có nhiều yếu tố. Trước đó, chúng ta tập trung phòng chống COVID-19; việc triển khai các hoạt động phòng chống SXH, nhất là diệt vectơ truyền bệnh, không triệt để. Sau khi COVID-19 được kiểm soát, người dân đi lại, giao lưu, đây là một yếu tố lây lan mầm bệnh đã có sẵn. Tại một số địa phương có số ca mắc SXH, ổ dịch tăng, dù đã can thiệp nhưng bệnh vẫn lây lan là do cách xử lý ổ dịch chưa đúng quy trình. Phun hóa chất trong bán kính 200m, nhưng phải phun bao vây từ ngoài vào thì mới diệt muỗi triệt để. Mặt khác, khi y tế phun hóa chất diệt muỗi thì một số người trong khu vực đó vắng nhà; một số ít gia đình không đồng ý cho phun hóa chất. Một yếu tố khác, dù chưa khẳng định nhưng chúng tôi nghĩ nhiều đến vectơ truyền bệnh không phải muỗi Aedes aegypti mà là Aedes albopictus - loài muỗi vằn sống ở ngoài vườn. Có lẽ vì vậy mà dù đã chủ động phun hóa chất diệt muỗi nhưng ca bệnh SXH vẫn tăng, có khả năng do vectơ truyền bệnh là muỗi Aedes albopictus”, bác sĩ Biện Ngọc Tân nhận định.
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh. Người mắc SXH có các triệu chứng: Sốt cao đột ngột 39-400C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể nổi mẩn, phát ban. Ở thể bệnh nặng, bệnh nhân có các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu: xuất huyết (chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất hiện vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen - do bị xuất huyết nội tạng); đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp). Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.
Không chủ quan với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Bệnh SXH nguy hiểm, song điều đáng nói là không ít người dân vẫn còn chủ quan, xem nhẹ. Do chủ quan, xem nhẹ nên họ không thường xuyên diệt muỗi, diệt bọ gậy. Một số người cho rằng đây là việc của ngành Y tế. Y sĩ Nguyễn Văn Mẫn, cán bộ chuyên trách phòng chống SXH (Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa) chia sẻ: “Dù đã được truyền thông rất nhiều nhưng trong việc diệt bọ gậy, bà con vẫn ỷ lại ngành Y tế. Khi mắc SXH, phần lớn bà con điều trị tại nhà, bệnh nặng thì mới đến cơ sở y tế. Khi có một ca SXH đến cơ sở y tế điều trị thì ở nhà họ đã có một số ca mắc trước đó”.
2022 là năm chu kỳ dịch SXH ở Phú Yên. Dự báo tình hình SXH sẽ còn diễn biến phức tạp nếu không tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm này. Phú Yên CDC đã làm việc với y tế ở các địa phương, khuyến nghị tăng cường hơn nữa công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch theo phương án bao vây, tăng cường công tác điều trị (khám, phát hiện sớm, điều trị tích cực những ca SXH có dấu hiệu cảnh báo nặng) để hạn chế thấp nhất tử vong.
Bác sĩ Biện Ngọc Tân nhấn mạnh: “Cách phòng bệnh SXH hiệu quả nhất vẫn là diệt bọ gậy triệt để tại từng hộ gia đình; nằm trong màn chống muỗi đốt, kể cả ban ngày, vì muỗi vằn hoạt động vào ban ngày, nhất là lúc chập choạng tối. Cơ bản nhất vẫn là ý thức của từng hộ dân về việc diệt các ổ bọ gậy ở trong nhà và chung quanh nhà, cắt đứt vectơ truyền bệnh”.
Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc SXH, người dân phải đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. “Những triệu chứng lâm sàng của SXH ở thể bệnh nhẹ tương đối giống với COVID-19, tuy nhiên sốt do virus Dengue là sốt cao đột ngột, khó hạ sốt. Bà con không nên chủ quan, không nên tự theo dõi, tự mua thuốc điều trị tại nhà, đến lúc bệnh nặng thì mới đến cơ sở y tế, can thiệp cũng không kịp nữa thì rất nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Biện Ngọc Tân khuyến cáo.
YÊN LAN