Thứ Ba, 08/10/2024 18:44 CH
Đề phòng bệnh trong tiết xuân - hè
Thứ Ba, 04/04/2006 10:35 SA

Ở nước ta, vào thời gian cuối xuân sang đầu hạ, thời tiết tuy nắng ấm nhưng thỉnh thoảng có những đợt gió mùa đông bắc làm tiết trời đang ấm áp trở lạnh như mùa đông. Đấy lại là điều kiện rất tốt cho thực vật, nấm mốc, côn trùng và các loại vi sinh gây bệnh phát triển, có bệnh lây lan thành dịch.

060404 ho.jpg
Bệnh nhi ho gà
Các bệnh hay gặp là bệnh về đường hô hấp, tim mạch và tiêu hóa. Việc phòng tránh các bệnh đó có tầm quan trọng hơn việc điều trị khi đã mắc bệnh.

Những bệnh nào cần phải đề phòng?

Bệnh về đường hô hấp: Cơ quan cảm thụ của bộ máy hô hấp (nằm tại niêm mạc đường hô hấp) rất nhạy cảm với thời tiết lạnh. Khi ta hít thở không khí lạnh, niêm mạc hô hấp phản ứng lại bằng sự sung huyết, phù nề và tăng tiết dịch. Phản ứng còn xảy ra khi bị nhiễm lạnh ở những vùng ngoài bộ máy hô hấp như cổ, ngực, vùng lưng, bàn chân, đặc biệt là gan bàn chân. Sự phản ứng này theo một cơ chế phản xạ.

Sự phù nề và sung huyết đường hô hấp kéo dài sẽ là môi trường thuận lợi cho các loại vi sinh gây bệnh phát triển, tạo nên đợt bùng phát các bệnh mạn tính của đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen phế quản, bệnh viêm phế quản... nguy cơ quan trọng hơn là các bệnh cấp tính như: cúm, sởi, ho gà, quai bị, thủy đậu... phát triển.

Các bệnh này lây lan theo đường hô hấp qua các hạt nước bọt của người bệnh bắn ra khi nói chuyện hay ho khạc, làm người lành hít phải. Ví dụ bệnh cúm thường xảy ra khi thời tiết lạnh (gấp 1.000 lần khi thời tiết ấm), dân gian thường gọi là cảm lạnh, thường là nhẹ, nhưng có trường hợp nặng gây tử vong rất nhanh.

Hiện nay dịch cúm gia cầm ở nước ta đã tạm ổn định, nhưng ở một số nước khác vẫn đang có dịch, mặt khác thời tiết mùa xuân vẫn là điều kiện thuận lợi cho virus cúm H5N1 phát triển, bùng phát trở lại thành đại dịch. Lúc đó cúm gia cầm có thể lây sang người, vì vậy chúng ta cần hết sức cảnh giác đề phòng.

Bệnh tim mạch: Người bị tăng huyết áp, vào những ngày rét của mùa xuân, ra ngoài trời như đi tiểu ban đêm, huyết áp sẽ tăng cao đột ngột dễ gây ra tai biến mạch máu não. Tai biến não có thể gây tử vong nhanh chóng, nếu sống sót sẽ để lại di chứng nặng nề dẫn đến tàn phế. Ở Việt Nam có 92,96% bệnh nhân tai biến mạch máu não có di chứng về vận động. Những người uống rượu, cà phê, hút thuốc lá ra ngoài lạnh rất dễ xảy ra những tai biến về bệnh tim mạch.

Bệnh đường tiêu hóa: Mùa xuân chuyển sang hè cũng là thời kỳ thích hợp cho ruồi nhặng phát triển. Ruồi nhặng hay đậu vào những nơi ô nhiễm như phân, rác, xác súc vật chết, rồi đậu vào bát đĩa, thức ăn, đồ uống của người. Chân ruồi có nhiều lông, là chỗ chứa các vi khuẩn, virut gây bệnh, chúng reo rắc các mầm bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, viêm ruột, bệnh có thể lây lan thành dịch. Bệnh nhân có những biểu hiện đau bụng, đi ngoài nhiều lần, phân nhiều nước, nôn oẹ. Có trường hợp bị mất nước và chất điện giải, không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Những biện pháp phòng chống

- Trong các đợt rét, mọi người cần giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là 2 gan bàn chân. Chú ý giữ ấm về ban đêm, lúc đi ngủ. Ở miền núi có thể sưởi ấm bằng đốt củi. Đặc biệt phải giữ ấm cho các cụ già, trẻ em và trẻ sơ sinh.

- Đối với các bệnh gây thành dịch: Phải chú ý tiêm vắcxin phòng dịch theo Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Khi có dịch phải thông báo ngay cho cơ quan y tế cấp trên. Khẩn trương cách ly người bệnh, bao vây dập tắt ổ dịch. Mọi người trong vùng có nguy cơ lây nhiễm theo đường hô hấp phải đeo khẩu trang, nhỏ thuốc sát trùng mũi, có dịch cúm thì tiêm vắcxin phòng cúm, hạn chế các cuộc hội họp, tụ tập đông người.

Nếu có bệnh dịch sốt xuất huyết và viêm não Nhật Bản phải chú ý diệt muỗi, nằm màn, diệt bọ gậy ở chum, vại, bồn, chậu chứa nước, khai thông cống rãnh, phun thuốc DDT rộng rãi.

- Đối với bệnh đường tiêu hóa: Cần chú ý kiểm tra vệ sinh thực phẩm tại các nơi giết mổ, bán thịt gia cầm, gia súc, cửa hàng ăn, cửa hàng thực phẩm, việc ăn uống trong các đám ma, đám cưới. Có ý thức xử lý phân, nước, rác thải... tốt. Không ăn rau sống, thức ăn ôi thiu, không uống nước lã. Sử dụng lồng bàn đậy đồ ăn và diệt ruồi nhặng.

- Cuối cùng là quản lý chặt chẽ việc kiểm dịch đối với khách nước ngoài nhập cảnh. Nếu nghi ngờ người mắc bệnh dịch, phải khẩn trương cách ly, theo dõi, bao vây để dịch không có điều kiện lây lan ra cộng đồng. Người phục vụ bệnh nhân bị dịch phải có phương tiện, trang bị phòng hộ đúng quy cách. Nhang chóng xác định, phân lập nguyên nhân gây bệnh dịch. Nếu có dịch cúm gia cầm, phải bao vây, dập tắt, sát khuẩn, tiêu hủy gia cầm tại nơi có dịch. Có phác đồ điều trị, tăng cường đội ngũ cán bộ phòng chống dịch ở các cơ sở y tế.

Theo Sức khỏe & đời sống

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek