Thứ Sáu, 11/10/2024 10:23 SA
Ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS do tai nạn nghề nghiệp
Thứ Sáu, 30/05/2008 13:33 CH

Theo một nghiên cứu tổ chức ở nước ta, việc lây nhiễm HIV do tiếp xúc với máu trong cơ sở y tế thường xảy ra dưới ba hình thức: phơi nhiễm của nhân viên y tế với máu của bệnh nhân, phơi nhiễm của bệnh nhân với máu của y tế, phơi nhiễm với máu giữa các bệnh nhân với nhau do dùng chung các dụng cụ không được tiệt trùng. Trên thực tế, phơi nhiễm của nhân viên y tế với máu của bệnh nhân là mối quan tâm chính về tai nạn rủi ro nghề nghiệp, do vậy cần có một chiến lược dự phòng và giám sát đặc biệt.

 

mo-mat-080530.jpg

Hầu hết tai nạn phơi nhiễm với máu của nhân viên y tế xảy ra trong quá trình phẫu thuật – Ảnh: T.THỦY

 

Tỉ lệ nhiễm HIV cho nhân viên y tế do tai nạn rủi ro nghề nghiệp phụ thuộc vào nồng độ HIV trong bệnh nhân, tần số tiếp xúc với máu và nguy cơ lây truyền. Chính vì thế, mỗi nhân viên y tế phải biết nguy cơ và thực hiện những nguyên tắc chung để dự phòng phơi nhiễm HIV.

 

Trong phơi nhiễm qua da trong quá trình chăm sóc y tế nói chung, một nửa tai nạn xảy ra khi lấy máu. Các nghiên cứu cho thấy: Hầu hết tai nạn phơi nhiễm với máu xảy ra vào cuối cuộc mổ. Khâu vết thương là một thủ thuật có nguy cơ phơi nhiễm với máu cao, chiếm từ 60-80%. Các phẫu thuật chỉnh hình sau đẻ và thủ thuật cắt âm hộ, cắt bao quy đầu cũng có nguy cơ phơi nhiễm cao. Các thủ thuật khác như đỡ đẻ, chọc dò, sinh thiết, mổ xác… cũng có nguy cơ phơi nhiễm.

 

Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Phú Yên đã tư vấn cho những nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm trong lúc làm việc do không sử dụng các biện pháp dự phòng phổ cập. Để dự phòng các phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, mỗi nhân viên y tế cần thực hiện những nguyên tắc chung như sau:

 

- Trên lâm sàng và thăm khám không thể biết ai là người nhiễm HIV/AIDS nên phải coi mọi bệnh nhân cũng như mọi bệnh phẩm có máu và dịch sinh học đều có nguy cơ lây nhiễm HIV.

 

- Luôn phải sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của bệnh nhân; sử dụng các phương tiện phòng vệ như đeo kính, khẩu trang, mặc áo choàng khi có nguy cơ bị máu và dịch của bệnh nhân bắn vào.

 

- Khi có vết thương hở ở tay, chân hoặc có tổn thương da rỉ nước, phải băng kỹ và tốt nhất là không tiếp xúc với máu, dịch của bệnh nhân cho đến khi tổn thương lành.

 

- Khi trên mặt bàn, mặt sàn bị dính máu hoặc dịch sinh học của bệnh nhân, phải đổ ngập tràn chỗ có máu và dịch đó bằng các dung dịch sát khuẩn như nước Javel, dung dịch có clo…, để 20 phút, sau đó dùng giẻ thấm khô rồi tiếp tục rửa sạch.

 

Đối với các đồ vải có thấm máu và dịch, phải dùng kẹp cho vào túi riêng, nếu không có kẹp thì gấp phần có máu và dịch vào trong, cầm vào chỗ không có máu để cho vào túi, sau đó vận chuyển đến nơi hủy hoặc nhà giặt. Phải ngâm các đồ vải này trong hóa chất sát trùng 20 phút trước khi xử lý.

 

- Đối với chất thải (đờm, nước tiểu, phân có máu hoặc các dịch sinh học như dịch nước báng, dịch màng phổi, dịch não tủy…) cũng xử lý tương tự: đổ ngập tràn vùng chất thải bằng các hóa chất sát trùng, để 20 phút trước khi đổ chất thải vào nơi thải chung.

 

- Luôn rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi đeo găng, trước và sau khi thăm khám bệnh nhân, sau khi đi vệ sinh hoặc giúp bệnh nhân đi vệ sinh.

 

                     BS BIỆN NGỌC TÂN

Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek