Bộ Y tế vừa có Quyết định 4815 về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn”, áp dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước.
Theo Bộ Y tế, viêm phổi mắc phải cộng đồng là bệnh lý hô hấp thường gặp, nằm trong nhóm nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Đây là tình trạng nhiễm trùng của nhu mô phổi xảy ra ở cộng đồng, bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi. Đặc điểm chung là có hội chứng đông đặc phổi và bóng mờ đông đặc phế nang hoặc tổn thương mô kẽ trên phim X quang phổi. Bệnh thường do vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác nhưng không do trực khuẩn lao. Bệnh cảnh lâm sàng có nhiều mức độ khác nhau, từ những ca bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú đến các ca bệnh nặng với suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn gây tử vong. Tại Việt Nam, viêm phổi mắc phải cộng đồng là một bệnh lý nhiễm khuẩn thường gặp nhất trong các bệnh nhiễm khuẩn, chiếm 12% các bệnh phổi.
“Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn” gồm 6 chương: Tổng quan viêm phổi mắc phải cộng đồng, Căn nguyên gây bệnh và các phương pháp vi sinh chẩn đoán, Chẩn đoán viêm phổi mắc phải cộng đồng, Dược lý lâm sàng sử dụng kháng sinh hợp lý trong điều trị viêm phổi cộng đồng, Điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng và Phòng bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng. Biện pháp dự phòng chung là điều trị triệt để các nguồn nhiễm khuẩn tại vùng tai - mũi - họng, răng - miệng; điều trị, quản lý tốt bệnh nền của bệnh nhân (đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh gan thận mạn tính); loại bỏ những kích thích có hại (thuốc lá, thuốc lào, rượu, bia); giữ ấm cổ - ngực trong mùa lạnh; gây miễn dịch bằng tiêm chủng vắc xin chống virus, vi khuẩn.
YÊN LAN