Trước diễn biến ngày càng phức tạp của COVID-19, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã gửi công văn yêu cầu các sở Y tế thực hiện các công việc nhằm đảm bảo bệnh nhân đang điều trị thay thế bằng Methadone/Buprenophine không bị dừng uống thuốc trong mọi tình huống khi đất nước thực hiện các biện pháp ngăn chặn và đẩy lùi COVID-19.
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Bệnh nhân nghiện ma túy khi tham gia điều trị thay thế bằng Methadone hay Buprenophine, hàng ngày phải đến cơ sở y tế để uống thuốc. Đây là loại thuốc thuộc nhóm thuốc giảm đau gây nghiện nên được cơ quan y tế quản lý chặt chẽ. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã gửi công văn đề nghị sở Y tế các tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc Methadone, Buprenorphine và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát lây truyền dịch COVID-19 theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, bệnh nhân đến uống thuốc phải đeo khẩu trang, xếp hàng cách nhau tối thiểu 2m. Bệnh nhân được đo nhiệt độ, nếu có sốt, ho thì phải đưa vào khu vực cách ly. Việc sát trùng các đồ vật xung quanh bằng Cloramine B được tiến hành thường xuyên. Bệnh nhân phải rửa tay bằng cồn sát khuẩn trước và sau khi uống thuốc.
Đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, cơ sở điều trị Methadone vẫn duy trì hoạt động đón bệnh nhân đến uống thuốc hàng ngày, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị có liên quan thực hiện việc cấp phát thuốc Methadone và Burprenophine trong thời gian xảy ra dịch COVID-19.
Trong trường hợp cơ sở điều trị bị phong tỏa do COVID-19 thì thực hiện như trong tình huống cơ sở bị đình chỉ hoạt động theo quy định. Sở Y tế ngay lập tức phải lựa chọn cơ sở điều trị Methadone gần đó để chuyển bệnh nhân đến cơ sở mới, tạo điều kiện tối đa cho người bệnh tiếp tục tham gia điều trị. Tùy tình hình và điều kiện của địa phương mà bố trí cơ sở để chuyển bệnh nhân chuyển đến, có thể chuyển bệnh nhân đến nhiều cơ sở trong tình huống cơ sở ban đầu quá đông bệnh nhân. Hạn chế việc chuyển tiếp điều trị cho người bệnh tham gia điều trị Methadone/Buprenorphine đến hoặc đi từ vùng có dịch COVID-19.
Trong trường hợp người bệnh bị cách ly do COVID-19 thì phải có đơn đề nghị uống thuốc. Cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc có trách nhiệm xác minh tính chính xác thông tin do người bệnh hoặc người nhà của người bệnh cung cấp và thực hiện quy trình cấp phát thuốc cho người bệnh bị cách ly theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật. Đối với người bệnh tham gia điều trị Methadone bị cách ly y tế do COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh, việc cấp phát thuốc thực hiện theo quy trình cấp phát thuốc cho người bệnh Methadone điều trị nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh.
Việc cấp phát thuốc cho người bệnh tham gia điều trị Buprenorphine bị cách ly y tế do dịch COVID-19 thực hiện như đối với người bệnh tham gia điều trị Methadone. Tùy thuộc điều kiện cụ thể và nhân lực của từng cơ sở điều trị Burprenophine, số lượng người bị cách ly và khoảng cách từ cơ sở điều trị đến địa điểm cách ly, cơ sở điều trị Burprenophine sẽ quyết định số liều lượng thuốc mang theo mỗi lần cấp phát cho người bệnh, đảm bảo tổng số thuốc mang đi không quá 10 ngày điều trị/một người bệnh, trừ trường hợp người bệnh cách ly tại nhà.
Trong tình huống đặc biệt, Sở Y tế chủ động bố trí các phương tiện hoặc triển khai mô hình cấp phát thuốc phù hợp với điều kiện của địa phương nhưng cần đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành của Bộ Y tế về quản lý thuốc gây nghiện, hướng thần.
Đối với việc miễn, giảm phí điều trị Methadone, ông Cảnh cho biết: Hiện tại, chi phí điều trị Methadone được các địa phương thu khoảng 10.000 đồng/người/ngày. Trước việc người bệnh gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố miễn phí điều trị cho bệnh nhân.
HÀ AN