Huyện Sông Hinh là địa phương giáp ranh với huyện M’Drắk (Đắk Lắk) - nơi đã ghi nhận các ca bạch hầu. Các cơ quan chức năng của địa phương này đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho người dân.
Để phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả, người dân nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Khi có dấu hiệu mắc bệnh (sốt, vùng cổ nổi hạch to, viêm họng, da tái xanh, thường chảy nước bọt, ho nhiều…) hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu nên sớm đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; đồng thời thực hiện nghiêm các hướng dẫn của ngành Y tế trong phòng bệnh. |
Cùng đoàn công tác của Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh, chúng tôi đến xã Sông Hinh - nơi có “cửa ngõ” dẫn đến huyện M’Drắk (Đắk Lắk). Những người làm công tác y tế tại xã Sông Hinh đang tất bật với việc khám sức khỏe cho người dân nơi đây. Theo quan sát của chúng tôi, nhân viên y tế thường xuyên nhắc người dân lưu ý về các biểu hiện của bệnh bạch hầu. Cùng với đó là công tác truyền thông về thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu được triển khai đồng bộ, khẩn trương.
Chị K’Sô Liên, cộng tác viên y tế của xã Sông Hinh thường xuyên đến từng hộ gia đình ở các thôn, buôn để nhắc lịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ đến lịch và rà soát, cập nhật danh sách trẻ trong độ tuổi phải tiêm vắc xin nhắc lại. Ngoài ra, chị K’Sô Liên còn đến những nơi có đông người như chợ, cửa hàng tạp hóa để truyền thông cho người dân biết về các triệu chứng của bệnh bạch hầu và cách phòng ngừa. “Mình có con nhỏ, lại là cộng tác viên y tế, thấy bệnh này nguy hiểm thì mình phải đi tuyên truyền cho bà con. Mình nói, bà con cũng chịu nghe. Khi có dấu hiệu sốt, sổ mũi, ho, cổ nổi hạch..., họ đều đến trạm y tế để được khám chứ không ở nhà tự chữa như trước đây”, chị K’Sô Liên cho biết.
Theo y sĩ Nay Y Phe, Phó phụ trách Trạm Y tế xã Sông Hinh, hàng năm, tỉ lệ trẻ ở xã Sông Hinh trong độ tuổi được tiêm chủng, trong đó có vắc xin bạch hầu đạt từ 98%. Đối với những trẻ theo mẹ đi lên nương rẫy, chưa được tiêm đủ mũi, cán bộ y tế tới nhà vận động và lên lịch tiêm vét cho trẻ. Thời gian tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là đầu tháng 8/2020.
Ngoài xã Sông Hinh, xã Ea Ly cũng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk. Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh đã chủ động thực hiện phương án ứng phó trong trường hợp ghi nhận người mắc bệnh bạch hầu.
Bác sĩ Đào Phi Long, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh, cho biết: Ngay khi có thông tin về dịch bệnh bạch hầu đang diễn ra ở Tây Nguyên, UBND huyện Sông Hinh đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện khẩn trương chỉ đạo các trạm y tế xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lên lịch tiêm vét cho các cháu. Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư y tế để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh. Khu cách ly cũng được chuẩn bị sẵn sàng trên cơ sở tận dụng lại cơ sở vật chất đã có khi phòng chống COVID-19.
Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tỉnh Phú Yên đã tập huấn cho cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở về công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu; đẩy mạnh công tác tiêm chủng cho trẻ (kể cả trẻ vãng lai) đạt tỉ lệ trên 95%; triển khai tốt chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin (Td) cho trẻ 7 tuổi.
Bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ở vùng sâu, vùng xa, nhân viên y tế đến từng nhà vận động, tuyên truyền để người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đủ liều, đúng lịch, đảm bảo tỉ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đạt kết quả cao nhất. Cùng với đó là việc phối hợp chặt chẽ với hệ điều trị nhằm phát hiện sớm ca bệnh bạch hầu nếu có. Bằng mọi giá không để dịch lây lan ra cộng đồng.
NHẬT HUY