Thứ Sáu, 11/10/2024 19:22 CH
Bạn biết gì về bệnh tay chân miệng?
Thứ Hai, 12/05/2008 12:00 CH

Tuy chưa trở thành dịch lớn, song bệnh tay chân miệng (TCM) đang có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các tỉnh phía Nam. Ở duyên hải miền Trung, bệnh cũng đã xảy ra ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.

 

080512-tay-chan-mieng.jpg
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh)

 

Bệnh TCM (tiếng Anh: Hand Foot Mouth Disease) là một bệnh thường gặp ở nhũ nhi và trẻ em. Bệnh thường đặc trưng bởi sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước; triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Một đến hai ngày sau khi xuất hiện sốt, trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng trẻ, có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ, sau đó biến thành các bọng nước và thường tiến triển đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má. Ban ở da xuất hiện trong vòng 1 đến 2 ngày với các tổn thương phỏng trên da hoặc có thể gồ lên, màu đỏ và một số hình thành bọng nước. Ban này không ngứa và thường khu trú ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Do ban thường xuất hiện ở các vị trí tay, chân và miệng nên bệnh này có tên là bệnh TCM. Tuy nhiên, ban có thể xuất hiện ở mông. Một số trường hợp, ban chỉ xuất hiện ở miệng mà không thấy ở các vị trí khác.

 

Bệnh TCM do một nhóm virus thuộc nhóm virus ruột gây nên, thường gặp nhất là coxsackievirus A16, đôi khi do enterovirus 71 và virus ruột khác. Nhóm virus ruột bao gồm các phân nhóm virus bại liệt, coxsackievirus, echovirus và một số enterovirus khác không xếp vào phân nhóm nào.

 

Về dịch tễ học, TCM là một bệnh dễ lây lan. Đường lây truyền thường từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết từ mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Giai đoạn lây lan mạnh nhất là tuần đầu tiên bị bệnh.

 

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày. Sốt thường là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Đầu tiên, virus cư trú ở niêm mạc má hay niêm mạc hồi tràng và sau 24 giờ, chúng lan đến các hạch bạch huyết. Nhiễm virus huyết thường xảy ra nhanh chóng, sau đó virus di chuyển đến niêm mạc miệng và da. Vào ngày thứ 7 sau khi nhiễm bệnh, kháng thể trung hòa tăng cao và virus bị thải loại.

 

Bệnh TCM xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp cả ở người trưởng thành. Mọi người đều có thể nhiễm virus nhưng không phải tất cả đều bị bệnh. Nhũ nhi, trẻ em và thiếu niên dễ bị nhiễm bệnh và có biểu hiện bệnh nhất vì chưa có kháng thể chống lại bệnh này.

 

Chẩn đoán bệnh thường dựa trên biểu hiện lâm sàng với vị trí đặc trưng của ban (tay, chân, miệng và mông). Phân lập virus từ các bệnh phẩm phết họng hay dịch của các bọng nước thường sau 2 đến 4 tuần mới có kết quả. Vì thế, nó không hữu ích cho chẩn đoán trên từng bệnh nhân cụ thể mà chỉ có ý nghĩa chẩn đoán hồi cứu và ý nghĩa dịch tễ học. Cần chẩn đoán phân biệt với nhiễm herpes miệng. Triệu chứng lâm sàng, tuổi và yếu tố dịch tễ thường giúp ích trong chẩn đoán phân biệt.

 

Tiên lượng bệnh thường phụ thuộc vào tuýp  virus. Bệnh TCM do coxsackievirrus A16 thường là một bệnh nhẹ và tự lành sau 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị. Biến chứng thường ít gặp.

 

Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể viêm màng não virus với các biểu hiện như sốt, nhức đầu, cứng cổ, đau lưng và cần phải nhập viện ngay.

 

Bệnh TCM gây nên do enterovirus 71 cũng có thể gây nên viêm màng não virus và hiếm hơn là các bệnh trầm trọng như viêm não hay liệt kiểu bại liệt. Viêm não do enterovirus có thể gây tử vong.

 

Hiện nay chưa có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu cho bệnh TCM cũng như các bệnh khác do enterovirus không phải bại liệt khác. Tuy nhiên, biện pháp vệ sinh chặt chẽ có thể góp phần hạ thấp nguy cơ nhiễm bệnh.

 

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

 

Nguy cơ lây nhiễm bệnh TCM có thể giảm đáng kể nếu thực hiện tốt các biện pháp sau:

 

- Vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau mỗi lần thay tã cho trẻ.

 

- Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi có thể nhiễm virus bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng chloramin B 5%.

 

- Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh hoặc người bệnh và áp dụng một số biện pháp hạn chế bệnh lây truyền theo đường phân, miệng khác như ăn chín, uống sôi.

 

- Cách ly bệnh nhân, trẻ bị bệnh trong vài ngày đầu mắc bệnh cũng có thể làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm.

 

Hãy nhớ rửa tay:

 

-•Trước, sau khi nấu ăn và chuẩn bị thức ăn.

 

- Trước khi ăn, sau khi đi đại tiện, tiểu tiện.

 

- Khi tay bẩn.

 

Phải rửa tay thường xuyên khi trong gia đình có người bệnh.

 

Cách rửa tay đúng:

 

Đầu tiên làm tay ướt toàn bộ và dùng dung dịch xà phòng hoặc xà phòng bánh. Đặt bánh xà phòng vào giá, để ráo nước và khô.

 

Cọ, xoa hai bàn tay vào nhau kỹ và bảo đảm rửa hết các kẽ ngón tay, móng tay.

 

Tiếp tục cọ rửa kỹ trong 10-15 giây. Việc cọ rửa kỹ và xà phòng sẽ giúp diệt, loại bỏ hết các mầm bệnh bám dính trên tay.

 

Xả nước kỹ và lau khô hoặc sấy khô tay.

 

Các bước lau, rửa sạch dụng cụ, bề mặt và khử trùng:

 

Phải dùng găng tay cao su khi lau dọn chất nôn, phân, đặc biệt khi tay bạn có vết xước hoặc gia đình bạn có người bệnh.

 

Đầu tiên, lau các bề mặt (mặt bàn, mặt ghế, sàn nhà) bằng xà phòng và nước hoặc các chất tẩy rửa khác.

 

Sau khi lau sạch, bạn có thể dùng hóa chất khử trùng như dung dịch chloramin B 5% thoa đều trên các bề mặt đó và giữ trong vài phút. Thao tác này giúp cho mầm bệnh tiếp xúc với hóa chất khử trùng lâu hơn.

 

Lau lại các bề mặt bằng khăn giấy dùng một lần hoặc khăn bàn. Nếu dùng khăn bàn thì phải giặt khăn sau khi sử dụng.

 

Để các dụng cụ lau và tiệt trùng xa khỏi tầm tay trẻ em.

 

Ngay cả khi dùng găng tay, bạn nên rửa tay sau mỗi lần lau rửa và khử trùng.                                                                                              

(khoahoc.com.vn)

 

Bác sĩ NGUYỄN VINH QUANG

(Trung tâm TTGDSK Phú Yên)

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek