Chủ Nhật, 22/09/2024 07:32 SA
Điều cần biết về bệnh bạch hầu và cách phòng tránh
Thứ Hai, 27/07/2020 08:00 SA

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỉ lệ tử vong từ 5-7%, có vùng lên đến 20%. Bệnh do vi khuẩn Corynebacterium diphteriae gây nên. Vi khuẩn này có 3 týp là Gravis, Mitis và Intemedius.

 

Vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.

 

Bệnh khởi phát cấp tính với các đặc điểm chính là đau họng, sốt và sưng hạch ở cổ. Độc tố bạch hầu làm cho màng mô chết đi và tích tụ trên cổ họng và amidan, khiến việc thở và nuốt trở nên khó khăn. Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

 

Bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh. Chính nhờ đó, hàng chục năm nay, bệnh bạch hầu rất ít xảy ra. Đây chính là hiệu quả của công tác tiêm chủng mở rộng mà chúng ta đã triển khai hàng chục năm qua. Vài năm gần đây, bệnh xuất hiện ở một vài địa phương, số ca bệnh ít.

 

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, bệnh bạch hầu đã xuất hiện ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và gần đây nhất là Quảng Trị. 64 ca bệnh đã được ghi nhận, trong đó có 3 ca tử vong. Đây chính là tiếng chuông báo động trước nguy cơ bùng phát trên diện rộng của căn bệnh nguy hiểm này. Đáng lo hơn, ca bệnh mới nhất ở Quảng Trị không có yếu tố dịch tễ rõ ràng, không tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh. Vì vậy, vấn đề truy vết tìm nguồn lây, cách ly, bao vây và khống chế dịch hết sức khó khăn.

 

Tại Phú Yên chưa có ca bệnh nghi ngờ nhưng chúng ta không được chủ quan, nhất là khi tỉnh ta có một số địa phương giáp với các tỉnh có dịch. Ngay từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở Tây Nguyên, ngành Y tế Phú Yên đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt phòng chống, chỉ đạo các địa phương thực hiện triệt để khuyến cáo của Bộ Y tế, tổ chức các lớp tập huấn cho hệ dự phòng và hệ điều trị, chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng thu nhận bệnh nhân, khoanh vùng, cách ly và dập dịch.

 

Để phòng chống dịch bệnh bạch hầu có hiệu quả, vai trò của người dân là hết sức quan trọng, có tính quyết định. Nếu mỗi người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống mà ngành Y tế khuyến cáo thì dịch bệnh sẽ không xảy ra. Trước hết, cần đưa trẻ đi tiêm chủng đủ liều, đúng lịch. Bên cạnh đó cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhất là tại trường học, nhà trẻ…

 

Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn bạch hầu sẽ chết sau vài giờ; dưới ánh sáng khuyếch tán, vi khuẩn bạch hầu sẽ bị tiêu diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 580C, vi khuẩn bạch hầu sống chỉ được 10 phút, còn ở môi trường phenol 1% và cồn 600C, vi khuẩn bạch hầu chỉ sống được 1 phút. Dựa vào đặc điểm này của vi khuẩn bạch hầu, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek