Thứ Sáu, 11/10/2024 22:22 CH
Quản lý thực phẩm chức năng:
Cần cơ chế cụ thể
Thứ Hai, 05/05/2008 09:30 SA

Tháng hành động Vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm nay có chủ đề “Thực phẩm chức năng (TPCN): Hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng”. Tuy nhiên, quá trình từ “hiểu đúng” đến “dùng đúng” không chỉ phụ thuộc vào người dân, nhất là nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối TPCN sẵn sàng thổi phồng chức năng, biến nó thành thứ “thần dược” chữa bách bệnh với giá bán không hề rẻ.

 

080505-tpcn.jpg

Kiểm tra việc kinh doanh thực phẩm chức năng tại Phòng thuốc Lê Lợi (TP Tuy Hòa)  – Ảnh: T.THỦY

 

QUẢNG CÁO NHƯ... ”THẦN DƯỢC”

 

TPCN hiện nay rất phong phú với phần lớn sản phẩm là dạng viên vì dễ đóng gói, lưu thông và bảo quản. Thấy thực phẩm nén viên, không ít người nhầm lẫn đó là thuốc. Sản phẩm thông dụng từ làm đẹp da như Vinaga (viên nang dầu gấc), viên nang Lô hội của Mỹ, đến Profrom-thức uống bổ dưỡng dành cho người già và người bị tiểu đường, viên bổ dưỡng Forever nature-Min, viên dầu cá Forever Arctie-sea, viên ngậm Forver Kids, bột dinh dưỡng ít béo hương sôcôla Forever Life Chocolate… đang được bán tràn lan trên thị trường với đủ mức giá khác nhau. “Green Tea-Mega T có xuất xứ từ Mỹ hỗ trợ giảm cân với giá 180.000 đồng/hộp gồm 2 vỉ, 30 viên. Muốn rẻ tiền hơn thì dùng trà Figura1 sản xuất tại Ba Lan, 20 gói/hộp, giá 40.000 đồng, ngày uống 1 gói, uống 2-3 hộp là giảm được vài cân”. Lời quảng cáo trên của người bán làm chị Lê Thiên Hương (phường 2, TP Tuy Hòa) tin tưởng và mua về dùng. Song, uống đến hộp thứ 4 mà chị Hương chẳng thấy… giảm cân nào. Hỏi thăm người có kinh nghiệm, chị mới biết công dụng của trà chủ yếu là nhuận tràng, tốt cho tiêu hóa.

 

Sản phẩm Lentin Plus được quảng cáo là một loại thuốc điều trị ung thư mới do Nhật Bản sản xuất. Trong phần cách dùng, loại thuốc này có ghi “dùng trong bệnh ung thư, HIV/AIDS, tiểu đường, viêm gan B,C và các bệnh nhiễm trùng khác, uống từ 1-3 gói/ngày; giá bán khoảng 80.000 đồng/gói. Nhưng theo các chuyên gia về tiêu hóa, Lentin Plus chỉ là thức ăn bổ dưỡng chiết xuất từ mầm lúa.

 

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh đã kiểm tra đột xuất các nhà thuốc, quày thuốc trên địa bàn TP Tuy Hòa. Chưa nói đến việc có được phép kinh doanh hay không, chỉ qua kiểm tra sản phẩm thấy rằng TPCN được bày bán tràn lan, lẫn lộn chung với thuốc. Tại một nhà thuốc lớn ở TP Tuy Hòa, trong số chục loại TPCN thì chỉ có một loại thực hiện nhãn mác đúng với tiêu chuẩn quy định (phải ghi là TPCN và dịch ra tiếng Việt cách sử dụng, thành phần, chức năng, số đăng ký phù hợp…) đó là Taghiba plus (loại 10 vỉ x 5 viên mềm), giúp tăng tuần hoàn não, tăng cường trí nhớ… Điều đáng nói là phần lớn các sản phẩm là TPCN ở các quày thuốc, nhà thuốc đều không có giấy kiểm định chất lượng. Người bán thì không hiểu mấy sự khác nhau giữa TPCN và thuốc. Ai cũng bảo rằng họ bán theo đơn bác sĩ.

 

CẦN CƠ CHẾ QUẢN LÝ CỤ THỂÙ

 

TPCN khác với thuốc ở điểm nào?

 

Nhà sản xuất công bố trên nhãn sản phẩm là thực phẩm, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, phù hợp với các quy định về thực phẩm là TPCN. Đối với thuốc, nhà sản xuất công bố trên nhãn là sản phẩm thuốc, có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định. Ví dụ Trà bạc hà, nếu ghi trên nhãn: nước uống giải nhiệt, là TPCN; nhưng nếu ghi trên nhãn: chỉ định điều trị rối loạn dạ dày, là thuốc.

 

Người tiêu dùng có thể tự sử dụng TPCN theo “hướng dẫn cách sử dụng” của nhà sản xuất mà không cần khám bệnh kê đơn của thầy thuốc.

Theo PGS.TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục VSATTP (Bộ Y tế), TPCN sẽ tốt cho cơ thể, nếu mọi người biết dùng đúng với nhu cầu của cơ thể mình. Tuy nhiên, việc sử dụng phải được cân nhắc kỹ, lạm dụng hay quá tin tưởng vào TPCN có thể gây nên những hậu quả khó lường. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh TPCN chưa đủ điều kiện VSATTP vẫn tham gia sản xuất, kinh doanh, hoặc đưa những sản phẩm chưa được công bố tiêu chuẩn ra thị trường. Chính những hiểu biết chưa cặn kẽ, người dân tin tưởng vào những lời quảng cáo nên tình hình sử dụng TPCN hiện rất đáng lo ngại.

 

Chánh thanh tra Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Văn Tâm cho rằng: Văn bản của Nhà nước chỉ nói chung chung. Bộ Y tế quy định các cơ sở kinh doanh, sản xuất TPCN phải được Cục VSATTP chứng nhận cấp giấy. Đối với cơ sở sản xuất thì vậy, còn với việc kinh doanh mua bán nếu thực hiện đúng quy định phải được Cục VSATTP cấp giấy là một việc rất khó khăn, nhất là khâu thẩm định. Chính vì điều này, mà hiện ở Phú Yên chưa có điểm nào kinh doanh TPCN đúng quy định. Kênh phân phối của các loại sản phẩm TPCN ở nước ta vẫn dựa theo kiểu truyền tiêu đa cấp, nên giá thành và chất lượng sản phẩm không thể kiểm soát.

 

Có cầu ắt có cung. Nếu không cho bán thì họ lén lút xen vào tạp hóa, thực phẩm khác. Vì vậy, cần có sự phân cấp trong quản lý và thẩm định cấp giấy phép kinh doanh TPCN tại địa phương. Có như vậy sẽ dễ quản lý, đảm bảo chất lượng TPCN cho người tiêu dùng.

 

THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek