Thứ Bảy, 12/10/2024 00:26 SA
Bệnh thủy đậu
Thứ Hai, 28/04/2008 14:00 CH

Bệnh thủy đậu là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính toàn thân, khởi bệnh đột ngột với sốt, nổi ban kiểu bóng nước ở da và niêm mạc. Đa số bệnh diễn tiến lành tính nhưng đôi khi có thể gây tử vong do những biến chứng trầm trọng như viêm não hậu thủy đậu, hội chứng Reye… Bệnh rất hay lây và có khả năng gây thành dịch.

 

080428-thuydau.jpg

Trẻ em rất dễ mắc bệnh thủy đậu – Ảnh: T.LIỆU

Bệnh thủy đậu chỉ xảy ra ở người. Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh, kể cả trẻ sơ sinh. Bệnh thường xảy ra từ tháng giêng đến tháng năm. Bệnh lây truyền từ người sang người, chủ yếu bằng đường hô hấp (qua các giọt nước bọt, hắt hơi và qua các chất tiết từ mũi - họng của người bệnh), một số ít lây qua da (do tiếp xúc trực tiếp với bóng nước). Thời gian lây bệnh bắt đầu 24 giờ trước khi có phát ban và kéo dài cho đến khi những nốt bóng nước đóng mày (trung bình 7-8 ngày).

 

Khoảng 2-3 tuần sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh (thường 13-17 ngày), người bệnh có biểu hiện sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, trên da xuất hiện các nốt ban đỏ. Khoảng 12-24 giờ sau, các nốt ban tiến triển thành các bóng nước đường kính 3-10mm. Các bóng nước vỡ ra, khô vảy rồi bong tróc sau 5-10 ngày mà không để lại sẹo nếu không bị nhiễm trùng da. Bóng nước có thể mọc ở niêm mạc miệng, đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu gây ra các triệu chứng nuốt đau, dấu hiện loét đường tiêu hoá, khó thở, tiểu rát, tiểu máu.

 

Dù là bệnh nhẹ, lành tính, nhưng vẫn có trường hợp có biến chứng và tử vong, nhất là ở trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch… Các biến chứng thường gặp là nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm não hậu thủy đậu… Nhiễm bệnh trong thời kỳ đầu mang thai có thể gây nên các dị tật bẩm sinh.

 

Khi nghi ngờ mắc bệnh thủy đậu, nên đưa bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế để có thể phát hiện bệnh sớm và cách ly, tránh lây lan bệnh ra cộng đồng. Phụ nữ có thai tuyệt đối tránh tiếp xúc với bệnh nhân.

 

Bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu nên được nằm phòng riêng, thoáng khí và có ánh mặt trời. Vệ sinh thân thể, thay quần áo và tắm rửa hàng ngày cho bệnh nhân bằng nước ấm hoặc dung dịch sát trùng trong phòng tắm kín gió. Bệnh nhân nên mặc các loại quần áo rộng, nhẹ. Vệ sinh mũi, họng bệnh nhân hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, quần áo, đồ dùng cá nhân của bệnh nhân cần được vệ sinh bằng các dung dịch khử trùng (nước Javel hoặc dung dịch cloramin B). Nên cho bệnh nhân ăn các loại thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu và nhất là cho uống nhiều nước, nước trái cây cam, chanh.

 

Nếu bệnh nhân có sốt cao, dùng thuốc hạ sốt paracetamol (lưu ý không dùng  Aspirin). Thuốc chống vi-rút thủy đậu có thể phòng ngừa biến chứng của bệnh, thuốc có hiệu quả nhất nếu được sử dụng trước ngày thứ ba của bệnh.

 

Tiêm vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu:

 

Tất cả trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm phòng trước đó đều có thể tiêm vắc-xin ngừa bệnh. Lịch tiêm ngừa thay đổi tùy theo lứa tuổi và tùy từng loại vắc-xin.

 

Đối với phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ: 3 tháng sau khi tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu mới được mang thai. Phụ nữ đang có thai nếu bị nhiễm vi-rút thủy đậu hay đang sống trong vùng có dịch thủy đậu thì nên đến khám tại các phòng khám phụ sản để được hướng dẫn theo dõi và điều trị thích hợp.

 

BS TRẦN DUY THUẦN

Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek