Sự quan tâm của đại bộ phận người dân hiện nay là tình hình COVID-19, trong khi đó một số dịch bệnh, vấn đề sức khỏe khác lại ít được quan tâm, trong đó có cuộc chiến phòng chống tác hại của thuốc lá.
Mỗi năm, thuốc lá gây ra cái chết cho hơn 8 triệu người trên thế giới; thiệt hại về kinh tế - xã hội vô cùng lớn. Tại Việt Nam, mỗi năm có 40.000 người tử vong do các bệnh lý có liên quan đến thuốc lá; hàng chục ngàn tỉ đồng phải chi cho việc điều trị các bệnh lý do thuốc lá gây ra. |
Thế giới đang căng mình với đại dịch COVID-19. Trong quá trình tồn tại và phát triển của xã hội loài người, nhân loại đã trải qua nhiều đại dịch, có những đại dịch làm hàng chục triệu người trên thế giới tử vong, có đại dịch làm cho châu Âu đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, song chưa có dịch bệnh nào có tốc độ lây lan nhanh như COVID-19. Cả thế giới gần như phải ngừng tất cả hoạt động kinh tế để phòng chống dịch. Hoạt động truyền thông phòng chống COVID-19 chiếm hầu hết thời lượng, dung lượng trên các phương tiện truyền thông. Sự quan tâm của đại bộ phận người dân là tình hình COVID-19. Một số dịch bệnh, vấn đề sức khỏe khác ít được quan tâm, trong đó có cuộc chiến phòng chống tác hại của thuốc lá.
Thuốc lá và tác hại của thuốc lá đã được truyền thông rất nhiều trong thời gian qua và đem lại một số kết quả khả quan, số người hút thuốc giảm đáng kể nhưng vẫn chưa như mong muốn. Trên phạm vi cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng, người trưởng thành hút thuốc lá còn khá phổ biến. Số liệu thống kê cho thấy hiện nay, số người trưởng thành (nam giới) hút thuốc lá chiếm tỉ lệ trên 45%, đặc biệt số người hút thuốc lá đang có xu hướng trẻ hóa. Đây là tiếng chuông báo động về sức khỏe cho nguồn nhân lực trong tương lai.
Mỗi năm, thuốc lá gây nên cái chết cho hơn 8 triệu người trên thế giới; thiệt hại về kinh tế - xã hội vô cùng lớn. Tại Việt Nam, mỗi năm có 40.000 người tử vong do các bệnh lý có liên quan đến thuốc lá; hàng chục ngàn tỉ đồng phải chi cho việc điều trị các bệnh lý do thuốc lá gây ra.
Tại Phú Yên, những năm gần đây, chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá được UBND tỉnh hết sức quan tâm, chỉ đạo liên ngành, trong đó ngành Y tế đóng vai trò nòng cốt đã đạt được nhiều kết quả. Qua giám sát của Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá, từ tuyến xã đến các cơ quan cấp tỉnh đã có chuyển biến tích cực: Thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, xây dựng môi trường không khói thuốc lá; xây dựng quy chế, quy định xử phạt những hành vi vi phạm, khen thưởng các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt; bố trí kinh phí; đẩy mạnh hoạt động truyền thông với nhiều hình thức... Nhờ đó, số người hút thuốc lá giảm đáng kể. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì kết quả đạt được chưa như mong muốn.
Để phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả hơn, nhất là khi chúng ta đang đối mặt với đại dịch COVID-19 như hiện nay, chúng ta không chủ quan, lơ là trong triển khai các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá. Tác hại của thuốc lá thường âm thầm, lâu dài; nếu nghĩ rằng hậu quả đối với sức khỏe không cấp bách như phòng chống dịch và có tâm lý buông lỏng, xem nhẹ thì những kết quả đạt được có nguy cơ thất bại.
Công tác truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá cần phải được thay đổi cơ bản cả hình thức lẫn nội dung, truyền thông phải đa dạng nhưng phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang xảy ra. Các hình thức truyền thông trực tiếp như nói chuyện sức khỏe, báo cáo chuyên đề, tư vấn, vãng gia… không nên áp dụng trong giai đoạn hiện nay, thay vào đó tăng cường truyền thông gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt qua mạng xã hội như zalo, viber, fanpage, tin nhắn... Đặc biệt, thông điệp truyền thông cần thay đổi cho phù hợp, chuyển tải được nội dung nhưng phải hấp dẫn, nhẹ nhàng, ngắn gọn mới hiệu quả. Chúng tôi rất tâm đắc các thông điệp như: “Không bỏ thuốc lá thì không cưới xin gì hết”, hay “Bố ơi đừng hút nữa con khó thở quá”... Các thông điệp kiểu này dễ đi vào lòng người, khơi dậy tình cha con và từ đó người hút thuốc có quyết tâm hơn để bỏ thuốc.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giám sát, xử phạt cần được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thường xuyên hơn thì hiệu quả sẽ rất cao. Nếu thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng nghiêm như thực thi Luật Giao thông đường bộ, xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm, chắc chắn việc phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ hiệu quả hơn nhiều.
BS NGUYỄN VINH QUANG