Thứ Bảy, 12/10/2024 01:18 SA
Cẩn trọng khi tự dùng thuốc kháng sinh
Thứ Hai, 28/04/2008 11:00 SA

Theo thói quen của nhiều người, khi có bệnh thường không đi khám mà tự mua thuốc điều trị. Có rất nhiều trường hợp dẫn đến hậu quả đáng tiếc do những phản ứng phụ của thuốc gây nên.

 

080428-thuoc-khang-sinh.jpg

Dùng thuốc kháng sinh phải theo chỉ định của bác sĩ – Ảnh: T.THỦY

 

Đã 6 tuổi, sắp bước vào lớp 1 nhưng cu Tèo con của chị Nguyễn Thị Hồng (phường 8,TP Tuy Hòa) còi cọc, thấp bé so với các bạn cùng trang lứa. Chị Hồng kể: “Trước đây, mỗi khi con ốm đau (sốt, ho, sổ mũi xanh…), là tôi cho dùng kháng sinh mạnh ciflox 250mg của Pháp vì thấy thật hiệu nghiệm. Tuy đỡ bệnh, nhưng Tèo còi cọc và không phát triển chiều cao. Mới đây, tôi có trình bày vấn đề này với bác sĩ thì mới biết, thuốc ciflox là kháng sinh thuộc nhóm quinolon, ngoài tác dụng diệt khuẩn, nó còn có tác dụng phụ khác làm chậm sự phát triển của sụn khớp, mà sụn khớp lại có vai trò quyết định sự phát triển chiều cao của trẻ em. Chính vì vậy thuốc này chống chỉ định cho trẻ em dưới 6 tuổi và  chỉ khuyên dùng cho người đã hết tuổi phát triển chiều cao”.

 

Theo dược sĩ Phan Xuân Hương (Sở Y tế Phú Yên): Trong các trường hợp bị viêm phổi hoặc có nhiễm khuẩn tai, mũi, họng thì nên dùng kháng sinh. Khi sử dụng thuốc kháng sinh cần tôn trọng đúng nguyên tắc 3Đ: đúng (thuốc), đủ (liều lượng), đều (phân liều đều đặn trong 24 giờ để duy trì nồng độ kháng sinh trong máu). Việc dùng kháng sinh bừa bãi sẽ dẫn đến những tác hại vô cùng nguy hiểm. Các bệnh có thể chữa trị được như viêm họng, viêm tai hay lao đều có thể trở nên bất trị khi cơ thể ấy “lờn” thuốc kháng sinh. Những mầm bệnh của hầu hết các bệnh nhiễm trùng bắt đầu kháng cự lại các thuốc có thể điều trị, khiến người ta phải thường xuyên tung ra thị trường nhiều loại kháng sinh mới để đối phó.

 

Theo các bác sĩ, tác dụng phụ kháng sinh có thể gây ra nhiều phản ứng có hại nếu không được dùng đúng cách, như:

 

- Pennicilin, Streptomycin: Nguy hiểm nhất là sốc phản vệ gây tử vong. Nếu được dùng trong một thời gian dài, Streptomycin có thể gây điếc cho bệnh nhân

 

- Gentamicine: Gây độc cho tai và thận

 

- Lincicin: Có thể gây tiêu chảy trầm trọng.

 

- Tetracilin: Gây rối loạn tiêu hóa, độc cho gan. Không dùng cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển răng của trẻ.

 

- Sulfanid: Gây vàng da ở trẻ sơ sinh, hạ bạch cầu. Gây suy tủy và dị ứng da nặng.

Bác sĩ Phan Vũ Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết: “Có nhiều loại thuốc gây sốc phản vệ như kháng sinh, vắc – xin, huyết thanh, thuốc giảm đau. Nhiều người bệnh sau khi sử dụng các thuốc Sulffamid, Pennicilin Chloramphenicol… bị sốt cao đột ngột, sức khỏe giảm sút nhanh, loét niêm mạc ở các bộ phận như miệng, mũi, họng, cơ quan sinh dục; đôi khi còn viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng máu và tử vong sau đó ít phút”.

 

Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã xác định được 123 loại thuốc gây dị ứng, trong đó cao nhất là các loại thuốc kháng sinh như Pennicilin, Ampicilin, Streptomycin, ngay cả một số vitamin và thuốc đông dược cũng có thể gây dị ứng. Các biểu hiện lâm sàng của dị ứng rất đa dạng như: ban đỏ toàn thân, mày đay, mẩn ngứa, viêm da, phù nề, hen phế quản. Uống kháng sinh không theo đơn có thể dẫn đến “lờn” thuốc, làm phát sinh nhiều tật bệnh mới, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

 

Trước việc người dân có thể mua kháng sinh rất thoải mái ở các cửa hàng thuốc, thiết nghĩ ngành Y tế Phú Yên cần thực hiện tốt các hoạt động triển khai của Bộ Y tế như: Giáo dục cộng đồng về sử dụng kháng sinh hợp lý; Hội đồng thuốc và điều trị bệnh viện tăng cường giám sát kê đơn hợp lý (trong đó có giám sát sử dụng kháng sinh) thông qua phân tích sử dụng thuốc trong các ca lâm sàng.

 

MINH TUẤN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek