Mới 38 tuổi, một người ở TP Tuy Hòa bị nhồi máu cơ tim cấp và được can thiệp cấp cứu. Ba ngày sau, bệnh nhân trở lại phòng thông tim để được mở một nhánh mạch vành khác, bị tắc mãn tính. Trường hợp này là tiếng chuông cảnh báo về bệnh mạch vành ở người trẻ.
Bệnh nhân N.Đ.T nhập viện ngày 26/2, bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên. Chụp mạch vành tại Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, các bác sĩ phát hiện động mạch liên thất trước của bệnh nhân bị tắc cấp, động mạch mũ tắc mãn tính. Ê kíp của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã tiến hành can thiệp cấp cứu, mở vị trí bị tắc cấp trên động mạch liên thất trước để một vùng cơ tim được tái tưới máu.
Ngày 29/2, khi ê kíp can thiệp của Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) trở lại Phú Yên, tiếp tục chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành, bệnh nhân T trở lại phòng thông tim để được mở vị trí bị tắc mãn tính trên động mạch mũ.
TS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch cấp cứu can thiệp (Bệnh viện Thống Nhất) cho biết: Tổn thương tắc mãn tính trên động mạch mũ rất phức tạp. Ê kíp đã nong và đặt stent thành công. Vị trí bị tắc được mở ra, máu tưới trở lại, nuôi một vùng cơ tim. Theo TS Tân, tổn thương tắc mãn tính thường gặp ở những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều yếu tố nguy cơ. Trường hợp bệnh nhân T mới 38 tuổi nhưng động mạch vành đã tắc mãn tính là khá hiếm. Yếu tố nguy cơ của bệnh nhân này là hút thuốc lá nhiều và có rối loạn chuyển hóa lipid máu.
“Tuổi là một trong nhiều yếu tố nói lên độ phức tạp của tổn thương mạch vành. Ở người cao tuổi, mạch vành thường bị vôi hóa, gập góc, rất khó can thiệp. Ở người trẻ, nếu có tắc mãn tính thì mức độ vôi hóa thường ít hơn, tuy nhiên cũng tùy từng trường hợp cụ thể”, TS Tân cho biết.
Qua thực tế các ca can thiệp, TS Tân nhận thấy tổn thương mạch vành ở những người trẻ ngày càng phức tạp. Điều này gióng lên tiếng chuông cảnh báo về những thói quen rất nguy hại cho tim mạch nói riêng, sức khỏe nói chung, như hút thuốc lá, lối sống ít vận động… Cần sớm loại bỏ những yếu tố nguy cơ có thể loại bỏ được để bảo vệ trái tim.
YÊN LAN