Thứ Ba, 08/10/2024 23:52 CH
Bệnh lao và thai nghén
Thứ Sáu, 24/03/2006 09:45 SA

Bệnh lao nói chung, lao phổi nói riêng là một bệnh truyền nhiễm, khá phổ biến ở những vùng dân cư đông, có điều kiện vệ sinh kém và đời sống kinh tế – xã hội thấp. Nguy cơ nhiễm lao hằng năm ở nước ta ước tính từ 1,5 – 2%.

 

Bệnh do loại trực khuẩn hình que kháng cồn, axít gây nên chủ yếu lây qua đường hô hấp (Robert Koch tìm ra trực khuẩn lao cách đây hơn 100 năm, nên người ta đã lấy tên của ông Kock đặt cho loại trực khuẩn này, viết tắt là BK). Người lao phổi có BK (+) ho, khạc các hạt nước bọt có chứa trực khuẩn lao văng ra ngoài, lơ lửng trong không khí, những người xung quanh hít phải các hạt này vào phổi. Trực khuẩn lao qua đó xâm nhập vào cơ thể. Trực khuẩn lao càng nhiều, khả năng lây lao càng lớn. Đờm của người lao phổi BK (+) càng chứa nhiều BK càng dễ lây.

 

Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh của bệnh lao cho thấy đây không phải là bệnh di truyền mà là một bệnh truyền nhiễm. Vi khuẩn lao thường không đi qua được nhau thai để gây bệnh bẩm sinh cho thai. Vi khuẩn lao cũng không gây dị dạng cho thai như một số loại virus, vi khuẩn được biết khác.

 

Tuy nhiên với người bị bệnh lao, việc mang thai phải hết sức cân nhắc. Bởi vì khi mang thai có sự thay đổi nhiều về giải phẫu và sinh lý ở người phụ nữ như: Tử cung to ra, mềm hơn, lượng máu đến bộ phận sinh dục nhiều hơn, tăng cân do trích nước dưới tác dụng của các hormone); thể tích tuần hoàn, cung lượng tim, nhịp tim tăng; tần số hô hấp tăng; nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng lên đáng kể (do vừa phải nuôi mẹ, vừa phải nuôi thai)… Những biến đổi này rất bình thường ở những người bình thường, nhưng nó sẽ là “gánh nặng” cho người phụ nữ bị lao phổi. Tình trạng nghén có thể làm cho người bệnh suy kiệt hơn trên một cơ địa vốn đã suy kiệt do lao. Nếu người mẹ không được chữa chạy, bệnh sẽ tiến triển, sức khỏe giảm sút, ăn uống kém, hô hấp bị hạn chế, thai nhi có thể bị suy và chậm phát triển vì thiếu dinh dưỡng. Các thuốc điều trị lao đa số là an toàn cho thai nhi. Nhưng một số thuốc có khả năng gây ảnh hưởng đến thai nhi như: Streptomycine gây điếc cho thai, Rifampicine có thể gây dị dạng cho thai, nhất là khi sử dụng trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Hơn nữa sau khi đẻ, lồng ngực giãn ra, sức khỏe của sản phụ lại suy giảm nên bệnh lao dễ “bùng” lên, tiến triển rất nhanh, dễ dẫn đến tử vong. Ngày trước, nhiều bà mẹ sau khi sinh gầy xanh, hâm hấp sốt, ho khan, cuối cùng ho ra máu và chết trong tình trạng suy kiệt. Dân gian gọi là “hậu sản mòn”, thực chất là lao phổi tiến triển sau đẻ. Sau khi sinh, người mẹ phải nuôi con, chăm bẵm, cho bú, hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với con nên nguy cơ lây nhiễm cho trẻ là khó tránh khỏi.

 

Với những tác động của thai nghén đến lao phổi và lao phổi đến thai nghén, lời khuyên dành cho những phụ nữ đang bị lao phổi là chưa nên có thai, để dành thời gian, thuốc men, tiền bạc và sức khỏe cho việc điều trị bệnh. Nhưng nếu đã có thai rồi mới phát hiện bệnh lao, hoặc trong lúc mang thai bị mắc lao thì vẫn có thể để thai phát triển bình thường, nhưng bệnh nhân cần được theo dõi, điều trị chu đáo. Việc phá thai chỉ đặt ra cho những trường hợp bệnh quá nặng, sức khỏe người mẹ quá yếu, sự đáp ứng với thuốc bị hạn chế.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek