Sau đột quỵ, chấn thương sọ não…, bệnh nhân có thể bị yếu hoặc liệt chi trên, chi dưới, khuôn mặt, không thể co giãn các cơ bắp. Và rồi các cơ bắp này dần dần cứng lại, không chỉ ảnh hưởng đến việc chăm sóc và những sinh hoạt hàng ngày của người bệnh mà còn gây tàn tật.
Nếu bị co cứng cơ nhẹ, bệnh nhân vẫn có thể vận động các cơ bắp hoặc di chuyển, tuy không được như người bình thường. Trường hợp nặng, các cơ co cứng lại thành tư thế bất thường, người bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và bị đau đớn.
Hiện có những phương pháp nào điều trị co cứng cơ, cách thức thực hiện như thế nào? Báo Phú Yên đã trao đổi với BSCKII Nguyễn Văn Chi, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng (PHCN) Trung ương.
* Thưa bác sĩ, những tổn thương nào có thể dẫn đến co cứng cơ?
BSCKII Nguyễn Văn Chi, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng PHCN Trung ương. Ảnh: Yên Lan |
- Tổn thương thần kinh dẫn đến co cứng cơ hay gặp nhất là các tổn thương hệ thần kinh trung ương do đột quỵ, tổn thương tủy sống, chấn thương sọ não và một số bệnh lý thần kinh có yếu tố di truyền.
* Tình trạng co cứng cơ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của bệnh nhân?
- Nếu tình trạng co cứng cơ xảy ra trong thời gian bệnh nhân còn điều trị tại bệnh viện thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc người bệnh. Ví dụ co cứng cơ ảnh hưởng đến việc khép khớp háng thì bệnh nhân sẽ gặp khó khăn, bất tiện khi tiểu tiện, thậm chí muốn đặt ống thông tiểu cho người bệnh cũng khó khăn. Tình trạng co cứng cơ kéo dài có thể làm người bệnh đau đớn, như khi tay bị co cứng, gấp vào; móng tay dài ra, đâm vào da thịt bệnh nhân. Tình trạng co cứng cơ cản trở người bệnh thực hiện các sinh hoạt hàng ngày như vệ sinh cá nhân và gây khó khăn cho việc chăm sóc họ.
* Bác sĩ có thể cho biết những phương pháp điều trị co cứng cơ hiện nay?
- Có nhiều phương pháp điều trị co cứng cơ: bằng thuốc, bằng vật lý trị liệu, hay đặt các nẹp chỉnh hình để giảm tình trạng co cứng cơ. Tuy nhiên, có những trường hợp co cứng cơ nặng, các phương pháp trên không thực hiện được thì phải sử dụng phương pháp tiêm Botulinum Toxin A vào cơ nhằm giải phóng tình trạng co cứng, tạo điều kiện tốt hơn cho việc chăm sóc và sinh hoạt của người bệnh.
* Cần lưu ý những gì khi điều trị co cứng cơ bằng phương pháp tiêm Botulinum Toxin A, thưa bác sĩ?
- Nhân viên y tế phải xác định đúng cơ để thực hiện thủ thuật này. Nếu cơ lớn, nông thì có thể dựa vào giải phẫu học để xác định vị trí tiêm. Đối với một số cơ sâu, có thể dùng điện cơ để kích thích và xác định. Và gần đây, người ta dùng siêu âm để xác định.
* Theo bác sĩ, thủ thuật này có tiềm ẩn nguy cơ nào?
Th.S Lê Huy Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Điều dưỡng PHCN Trung ương hướng dẫn lâm sàng tại lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật tiêm Botulinum Toxine A. Ảnh: CTV |
- Về thuốc thì từ trước đến nay, theo các báo cáo, chưa gây phản ứng nào. Tại Bệnh viện Điều dưỡng PHCN Trung ương, chúng tôi thực hiện thủ thật này đã 5 năm nay, chưa có tai biến. Tuy nhiên, khi thực hiện kỹ thuật này, nếu xác định không đúng cơ gây nên tình trạng cơ cứng thì không có tác dụng điều trị, hoặc nếu tiêm nhầm vào các cơ khác thì sẽ gây những tác dụng khó chịu cho người bệnh. Nhưng Botulinum Toxin A sau khoảng 3-6 tháng sẽ đào thải. Thuốc này rất đắt, hơn 6 triệu đồng một lọ, mà một lọ như thế có thể tiêm một lần cho một bệnh nhân, ở một số vị trí. Có những bệnh nhân bị co cứng cơ ít, chi trên hoặc chi dưới thôi, và chỉ cần tiêm một lần, vào 5-6 vị trí là xong. Nhưng có những bệnh nhân bị co cứng cơ nặng, lúc đó bác sĩ phải lựa chọn mục tiêu để ưu tiên điều trị.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Bệnh viện PHCN Phú Yên đã tiếp nhận gói kỹ thuật “Điều trị co cứng cơ ở bệnh nhân tổn thương thần kinh trung ương bằng Botulinum Toxin A” do Bệnh viện Điều dưỡng PHCN Trung ương chuyển giao theo Đề án 1816. Sau khi tiêm vài ngày, tình trạng co cơ sẽ giảm dần và mất hẳn sau vài tuần. Sau đó, co cơ có thể sẽ xuất hiện trở lại và bệnh nhân có thể điều trị lại với những lần tiêm tiếp theo. Đây là một phương pháp tiên tiến giúp bệnh nhân co cứng cơ cải thiện chất lượng cuộc sống. |
YÊN LAN (thực hiện)