Theo các nghiên cứu khoa học, mỗi lần say bia, rượu (tức là ngộ độc) tùy theo mức độ, các neuron thần kinh (tế bào) bị chết từ 10-15 triệu neuron! Nên nhớ rằng neuron thần kinh của chúng ta không thể sinh thêm mà chỉ chết đi theo tuổi tác.
Tình trạng sử dụng bia, rượu khá phổ biến trong cộng đồng dân cư. Bia rượu được xem như phương tiện hỗ trợ trong giao tiếp, thậm chí trong các giao dịch làm ăn. Không thể phủ nhận khi uống rượu bia làm cho người ta trở nên hoạt bát hơn, dễ bộc lộ tính “thật” của mình hơn, cảm giác e ngại sẽ giảm đi, làm cho người ta cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp, công việc có lúc được xử lý nhanh hơn khi có vài ly rượu.
Sau khi uống vào, bia rượu sẽ được hấp thu qua ruột vào máu, đi đến cơ quan nội tạng, vào tổ chức gian bào và tác động vào các cơ quan đó. Ở người, chất ancol (cồn), thành phần chính của bia rượu, tác động chủ yếu vào hệ thần kinh và được gan khử độc, sau đó đào thải ra ngoài qua hệ tiết niệu, qua hô hấp và qua da. Khi uống bia rượu, người uống sẽ trải qua 3 giai đoạn: hưng phấn, ức chế và hồi phục.
Ở giai đoạn hưng phấn, tế bào thần kinh được kích thích làm cho người uống cảm thấy sảng khoái, hoạt ngôn, tự tin, mạnh mẽ, giảm lo âu, phiền muộn… Đến giai đoạn ức chế, các dấu hiệu này mất đi, thay vào đó là nói năng lẫn lộn, không làm chủ được bản thân, dễ kích động, vật vã, thiếu nhận thức được sự vật và hiện tượng xung quanh, nếu nặng hơn sẽ rơi vào hôn mê (ngộ độc).
Giai đoạn thứ 3 là giai đoạn hồi phục. Trên thực tế, khi uống rượu bia, ít người làm chủ được bản thân để biết dừng đúng lúc, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nhiều vụ án mạng, hãm hiếp, tai nạn giao thông nghiêm trọng, mất tình làng nghĩa xóm là do lạm dụng bia rượu. Bên cạnh đó, tình trạng ép nhau uống, mời nhau uống, uống bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào như hiện nay đã và đang làm cho tình trạng lạm dụng bia rượu trở nên đáng lo lắng hơn.
Ngày 14/6/2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020. Luật có 7 chương, 36 điều quy định cụ thể về xác định thế nào là bia, rượu, thực phẩm có cồn; quy định về phạm vi điều chỉnh; biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia; biện pháp quản lý; hành vi nào bị cấm; vai trò của Đảng, chính quyền các cấp trong quản lý rượu bia…
Tại điều 5 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên…
Hành lang pháp lý về phòng chống tác hại của rượu bia đã đầy đủ. Nếu mọi người có nhận thức đúng, chấp hành nghiêm luật, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm chế tài thì chắc chắn sẽ hạn chế được tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe của người dân cũng như ổn định trật tự xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
TTƯT. BSCKI NGUYỄN VINH QUANG