* Lần đầu phát hiện 3 trường hợp nhiễm virus Zika do muỗi đốt ở châu Âu
Ngày 17/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố báo cáo cập nhật về tình hình diễn biến của bệnh sốt xuất huyết trên toàn cầu, trong đó cảnh báo số ca lây nhiễm tại Mỹ Latinh - 2,7 triệu người trong 10 tháng đầu năm, trong đó có 1.206 người chết - là mức cao nhất ghi nhận được trong lịch sử khu vực này.
Phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ Latin dẫn báo cáo của WHO cho hay 5 quốc gia có số người nhiễm sốt xuất huyết cao nhất thế giới trong năm nay đều là các nước Mỹ Latinh, đứng đầu là Brazil với hơn 2 triệu trường hợp, tiếp đó lần lượt là Mexico, với gần 214.000 trường hợp; Nicaragua, với 157.500 trường hợp; Colombia, với 106.000 trường hợp; và Honduras, với 96.400 trường hợp.
Ngoài Mỹ Latinh, Bangladesh cũng là nước chịu nhiều ảnh hưởng từ bệnh truyền nhiễm này, với 92.000 ca, cao nhất kể từ khi ghi nhận lần bùng phát dịch đầu tiên trong lịch sử vào năm 2000.
WHO cảnh báo các đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết đã tăng đáng kể trên toàn thế giới trong vài thập kỷ qua và hiện đây là bệnh truyền nhiễm qua muỗi có tốc độ lây lan cao nhất thế giới. Vào thập kỷ 1970, sốt xuất huyết có mặt tại 9 quốc gia thì hiện tại nó đã có mặt tại 128 quốc gia và có thể tác động tới 96 triệu người.
Phó Tổng Giám đốc WHO, tiến sĩ Soumya Swaminathan thừa nhận bất chấp những nỗ lực của tổ chức này, các biện pháp hiện tại nhằm kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết tỏ ra không đủ hiệu quả, buộc WHO phải tìm kiếm những chiến lược mới.
Một trong những chiến lược đang được xem xét là kỹ thuật làm vô sinh loài muỗi truyền nhiễm sốt xuất huyết, Aedes Aegypti, bằng tia phóng xạ. Đây là kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp Mỹ phát triển đầu tiên nhằm kiểm soát một số loài sâu bệnh làm hại cây trồng và vật nuôi.
Qua 60 năm phát triển, hiện biện pháp này được sử dụng trong ngành nông nghiệp tại tất cả các châu lục và chứng minh được mức độ an toàn cao, và do đó WHO đang kỳ vọng việc áp dụng kỹ thuật này với muỗi Aedes Aegypti, cũng là vật chủ truyền nhiễm các bệnh nhiệt đới nguy hại khác như chikungunya và zika, sẽ làm đáng kể "dân số" của loài muỗi này, và qua đó là nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm trên.
Các bệnh truyền nhiễm qua muỗi, trong đó có sốt rét, sốt xuất huyết, zika, chikungunya và sốt vàng, chiếm tới 17% các ca bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu, và cướp đi sinh mạng của khoảng 700.000 người mỗi năm, theo thống kê của WHO.
* Đài Truyền hình Thụy Điển (SVT) ngày 15/11 đưa tin nước Pháp đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm virus Zika do muỗi đốt tại khu vực miền Nam nước này.
Đài SVT dẫn báo cáo của Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) có trụ sở tại Stockholm của Thụy Điển, cho biết 3 bệnh nhân trên là những trường hợp mắc virus Zika ngay tại địa phương đầu tiên ở châu Âu, do muỗi tại châu lục này truyền virus.
Tuy nhiên, theo ECDC, khả năng loại virus nguy hiểm này sinh sôi ở miền Nam nước Pháp là "hầu như không tồn tại".
Chuyên gia Anders Tegnell thuộc Cơ quan Y tế Công đồng Thụy Điển cho biết: "Sau mỗi mùa, toàn bộ số lượng muỗi đều sẽ chết, ngay cả ở miền Nam nước Pháp. Và virus chỉ tồn tại vài ngày trong máu của những người bị nhiễm virus này".
Virus Zika là một loại virus do muỗi Aedes lây truyền, gây ra các triệu chứng nhẹ đối với người bị nhiễm, song có thể gây tổn thương não ở thai nhi nếu thai phụ bị nhiễm virus này. Virus Zika được biết đến lần đầu tiên trong thập niên 40 của thế kỷ trước. Các trường hợp nhiễm virus xuất hiện ở Nam Mỹ vào năm 2015 và sau đó đã lan rộng ra khắp châu Mỹ trong các mùa tiếp theo.
L.H (tổng hợp TTXVN/Vietnam+)