Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng hai triệu người mắc các bệnh tim mạch và hô hấp mạn tính. Bệnh tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong trong số các bệnh không lây nhiễm ở nước ta.
Bác sĩ can thiệp mạch vành cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN |
Bệnh phổ biến
Qua các đợt khám tầm soát bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim mắc phải tại các tỉnh thành khu vực miền Trung, trong đó có Phú Yên, bác sĩ Nguyễn Thục (Khoa Ngoại lồng ngực tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết: Ở trẻ em, hay gặp nhất là các dị tật tim bẩm sinh, trong đó rất phổ biến là thông liên thất (có sự hình thành một lỗ giữa hai buồng tâm thất). Ở người lớn thì thường gặp các bệnh van tim, trong đó phổ biến là bệnh van hai lá, bệnh van động mạch chủ. Một số trường hợp bị tổn thương cả van hai lá lẫn van động mạch chủ.
Đối với thông liên thất ở trẻ em, việc lựa phương pháp can thiệp phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng… của bệnh nhi và loại thông liên thất. Bác sĩ Thục cho biết, có hai cách can thiệp thông liên thất, thứ nhất là can thiệp nội mạch, tức đóng lỗ thông liên thất bằng dù. Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn nhưng có những yêu cầu nhất định. Vì vậy, phương pháp can thiệp nội mạch hạn chế về mặt bệnh nhân so với phẫu thuật. Tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế, hầu hết các ca phẫu thuật thông liên thất đều không có biến chứng. Sau khi được đóng lỗ thông liên thất, em bé sẽ như một đứa trẻ bình thường.
Trong số các bệnh tim mạch, bệnh van tim rất phổ biến. Tại Việt Nam, có hai nguyên nhân chính dẫn đến bệnh van tim: do thoái hóa theo tuổi tác và do bệnh thấp tim (thấp khớp cấp). Đây là bệnh nguy hiểm, biểu hiện tại khớp là viêm khớp (sưng, tấy đỏ, nóng, đau, cử động khó khăn…). Tại tim, bệnh có các triệu chứng không điển hình, gồm các biểu hiện viêm cơ tim, viêm màng trong tim (nội tâm mạc), viêm màng ngoài tim và viêm tim toàn bộ. Tại Việt Nam, tỉ lệ tổn thương do thấp tim vẫn rất cao.
“Bệnh diễn tiến âm thầm trong một thời gian dài, từ lúc người bệnh còn nhỏ, còn trẻ và làm tổn thương van tim. Đến lúc bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng suy tim, đi khám thì mới phát hiện ra”, bác sĩ Thục cho biết. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị một cách triệt để, tỉ lệ tổn thương van tim do thấp tim là rất cao, lên đến 70-80%. Vì vậy, khi có những biểu hiện viêm khớp cấp, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được khám và làm các xét nghiệm. Dựa trên các chỉ số và dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ chuyên khoa sẽ điều trị.
Cần phát hiện sớm để điều trị
Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo: Trẻ sinh ra nhẹ cân, da, môi, niêm mạc tím, hay đau ốm, bị viêm phổi tái diễn, chậm lên cân trong những năm đầu đời… thì cha mẹ phải đưa đi khám, siêu âm tim để tầm soát bệnh tim bẩm sinh. Nếu trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thì cần được phát hiện sớm để điều trị. Đối với người lớn, khi thấy sức khỏe giảm sút, hay mệt, khó thở, đau ngực thì phải đi khám, siêu âm tim xem thử có bị tổn thương các van tim hay không. Đặc biệt, những người trên 50 tuổi, nếu có biểu hiện hay đau ngực khi gắng sức, khi làm việc nặng, sức khỏe giảm sút thì phải đi khám tầm soát, xem thử có mắc bệnh mạch vành hay không.
“Những bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh thấp khớp cấp thì phải điều trị đầy đủ, được theo dõi liên tục để xử trí những tổn thương một cách kịp thời. Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh mạch vành thì phải có chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao. Những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao thì phải điều trị cho tốt để ổn định huyết áp, đường máu, mỡ máu; hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu bia… Điều đó sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, nhất là bệnh mạch vành”, bác sĩ Thục chia sẻ.
YÊN LAN