Chủ Nhật, 24/11/2024 15:42 CH
Ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của rung nhĩ
Thứ Hai, 07/10/2019 14:44 CH

TS-BS Nguyễn Huy Thắng báo cáo tại một hội thảo khoa học do Bệnh viện Đa khoa Phú Yên phối hợp với Công ty Bayer tổ chức mới đây. Ảnh: YÊN LAN

Rung nhĩ, một loại rối loạn nhịp thường gặp, làm tăng cao nguy cơ đột quỵ, hậu quả hết sức nặng nề: Trên 70%, thậm chí 80% số bệnh nhân tử vong hoặc tàn phế nặng.

 

Báo Phú Yên phỏng vấn TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, về biến chứng nguy hiểm của rung nhĩ và cách ngăn ngừa.

 

* Thưa tiến sĩ, vì sao tỉ lệ tàn phế và tử vong lại cao ở bệnh nhân đột quỵ do rung nhĩ?

 

- Cơ chế gây ra đột quỵ ở các bệnh nhân rung nhĩ là khi nhịp tim không đều tạo ra sự ứ đọng máu trong buồng tim và chính sự ứ đọng đó hình thành các huyết khối. Những huyết khối liên quan đến rung nhĩ thường rất lớn. Khi huyết khối lớn thì nó sẽ gây tắc mạch máu, và đó là mạch máu lớn, như vậy đột quỵ sẽ rất nặng.

 

* Biến chứng rất nguy hiểm của rung nhĩ là hình thành huyết khối. Vậy làm thế nào ngăn ngừa nguy cơ này?

 

- Rung nhĩ dẫn đến hậu quả rất nặng nề, tỉ lệ tử vong, tỉ lệ tàn phế rất cao: trên 70%, thậm chí 80% số bệnh nhân tử vong hoặc tàn phế nặng. Chỉ có chừng 20-30% số bệnh nhân có thể phục hồi tốt. Như vậy, trong số 10 bệnh nhân đột quỵ do rung nhĩ, chỉ khoảng 2-3 bệnh nhân có tiên lượng tốt. Tuy vậy, việc phòng ngừa lại rất đơn giản, thật sự là đơn giản, nếu như bệnh nhân rung nhĩ đi khám thường xuyên và sử dụng thuốc kháng đông, nói nôm na là thuốc làm cho nồng độ máu loãng hơn, để ngăn chặn việc hình thành các huyết khối. Khi không có huyết khối thì bệnh nhân sẽ không bị đột quỵ. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để phòng ngừa đột quỵ ở các bệnh nhân rung nhĩ là sử dụng thuốc kháng đông.

 

* Còn khi bệnh nhân đã bị đột quỵ do rung nhĩ thì làm thế nào ngăn chặn cơn đột quỵ thứ hai, thưa tiến sĩ?

 

- Bệnh nhân đột quỵ do rung nhĩ, như tôi đã nói, 70-80% sẽ tử vong hoặc tàn phế nặng. Nếu bệnh nhân may mắn nằm trong số 20-30% phục hồi tốt thì người ta thấy rằng bệnh nhân đó có nguy cơ đột quỵ lần thứ hai rất cao, cao hơn bình thường rất nhiều. Việc quan trọng nhất đối với những bệnh nhân này là phải sử dụng thuốc kháng đông liên tục, suốt đời, với sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Bởi thuốc kháng đông là con dao hai lưỡi, mặt tốt là nó ngăn chặn sự hình thành các huyết khối để giảm bớt nguy cơ đột quỵ nhưng mặt khác, nó có thể làm tăng các yếu tố xuất huyết. Những loại thuốc kháng đông mới hiện nay, như Rivaroxaban chẳng hạn, được xem là không những hiệu quả tốt giống như các thuốc kháng đông cũ, mà còn an toàn hơn rất nhiều, đặc biệt là trong việc phòng ngừa các biến cố xuất huyết. Như vậy, nếu bệnh nhân bị rung nhĩ không do bệnh lý van tim thì nên sử dụng loại thuốc kháng đông mới.

 

* Tiến sĩ có khuyến cáo gì trong việc sử dụng thuốc hạ huyết áp trên bệnh nhân đột quỵ do rung nhĩ?

 

- Bệnh nhân bị rung nhĩ cũng có thể mắc bệnh lý khác, như cao huyết áp. Khi bác sĩ cho thuốc, đặc biệt là thuốc kháng đông cho bệnh nhân có cao huyết áp thì phải hết sức thận trọng, tức là phải giữ huyết áp ổn định. Bởi khi chúng ta sử dụng thuốc kháng đông, như tôi đã nói, mặt tốt là phòng ngừa các huyết khối nhưng nó có thể dẫn đến các biến cố về xuất huyết. Nếu chúng ta không kiểm soát được huyết áp của bệnh nhân đó thì nguy cơ xuất huyết sẽ cao hơn rất nhiều. Như vậy, để an toàn cho bệnh nhân bị rung nhĩ, việc sử dụng thuốc kháng đông là chắc chắn, nhưng chúng ta phải kiểm soát huyết áp.

 

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

 

Rung nhĩ làm tăng 5 lần nguy cơ đột quỵ (tỉ lệ này còn tiếp tục tăng theo tuổi), tăng 3 lần nguy cơ suy tim, tăng 2 lần nguy cơ tử vong. Trong rung nhĩ, xung động điện hình thành rất nhanh (thường trên 400 lần/phút) và không đều. Hai buồng tâm nhĩ không còn co bóp nhịp nhàng mà “rung lên” nên bơm máu không hiệu quả. Rung nhĩ gây ảnh hưởng huyết động liên quan đến tần số đáp ứng thất bất thường (quá nhanh hoặc quá chậm) và mất sự đồng bộ giữa nhĩ và thất. Triệu chứng của rung nhĩ rất khác nhau trên các bệnh nhân, từ không triệu chứng đến mệt mỏi, hồi hộp, khó thở hoặc các triệu chứng nặng như tụt huyết áp, ngất hoặc suy tim. Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ, tắc mạch ngoại vi do hình thành các huyết khối trong buồng nhĩ, thường là khởi phát từ tiểu nhĩ trái.

 

Hội Tim mạch học Việt Nam

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek