Chủ Nhật, 24/11/2024 16:07 CH
Trẻ bị dị tật khe môi - hàm ếch: Sớm can thiệp - sớm mang lại nụ cười
Thứ Hai, 16/09/2019 14:41 CH

Mang nặng đẻ đau, người mẹ nào cũng cầu mong con mình lành lặn, khỏe mạnh. Do nhiều nguyên nhân, có những em bé bị sứt môi, hở hàm ếch. Với sự phát triển của y học, sự kết nối của tổ chức Operation Smile (Phẫu thuật Nụ cười) và sự đồng hành của các nhà tài trợ, rất nhiều trẻ em dị tật khe môi - hàm ếch đã có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

 

Bác sĩ Lê Trung Nghĩa (bên phải) cùng các đồng nghiệp phẫu thuật vá môi - hàm ếch cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

 

Báo Phú Yên phỏng vấn bác sĩ Lê Trung Nghĩa, Phó Trưởng Khoa Vi phẫu tạo hình hàm mặt - Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh, khi ông cùng các đồng nghiệp tham gia chương trình Nụ cười trẻ thơ năm 2019 tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

 

* Phần lớn trẻ mắc dị tật khe môi - hàm ếch đến từ những vùng khó khăn, cha mẹ vất vả, nghèo khó. Môi trường sống của người mẹ có liên quan gì đến việc hình thành dị tật bẩm sinh này, thưa bác sĩ?

 

- Dị tật khe môi - hàm ếch hình thành từ trong bụng mẹ vào những tuần đầu của ba tháng đầu thai kỳ. Trong giai đoạn đó, nếu người mẹ bị nhiễm siêu vi do sức đề kháng yếu hoặc nhiễm bệnh ngẫu nhiên, hoặc sử dụng một số loại thuốc có ảnh hưởng đến thai nhi mà họ không biết thì thai nhi có thể mắc dị tật bẩm sinh này.

 

Ở các nước nghèo, các nước đang phát triển, ở những vùng khó khăn, nhiều phụ nữ khi mang thai làm việc rất cực nhọc, nhiều người thậm chí không biết mình đã mang thai, không được chăm sóc, bồi dưỡng và rất dễ bị nhiễm siêu vi. Đôi khi triệu chứng chỉ thoáng qua như cảm thấy nóng lạnh, ớn lạnh, đau nhức…, nên người mẹ không biết. Việc sử dụng thuốc cũng rất quan trọng, nếu uống thuốc bổ nhưng quá liều thì cũng gây hại. Và cũng phải kể đến yếu tố di truyền.

 

* Theo bác sĩ, cần phải làm những gì khi phát hiện đứa trẻ bị dị tật khe môi - hàm ếch?

 

- Hiện nay, người ta đã phát hiện dị tật này trong thai kỳ. Vấn đề rất quan trọng là chuẩn bị tinh thần cho người mẹ cũng như gia đình đón nhận đứa trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch và chuẩn bị để sau khi ra đời, em bé được vá môi - hàm ếch sớm nhất. Như vậy em bé sẽ giống như bao đứa trẻ khác, không mất tự tin khi đi học, sau này có cơ hội xin việc và làm việc như bao người khác.

 

Vấn đề đó rất cần thiết. Siêu âm, phát hiện thai nhi bị hở môi, hở hàm ếch, bên sản khoa sẽ báo cho người mẹ biết và lập tức chuyển thông tin sang bệnh viện chúng tôi. Chúng tôi sẽ tư vấn cho người mẹ. Trước nhiều áp lực, có những người mẹ đã muốn bỏ con mình. Đó là người mang thai lần đầu, gia đình bên chồng không muốn họ sinh ra một đứa con dị tật. Hoặc người mẹ quá nghèo, họ sợ sinh ra thì sẽ không lo nổi chi phí điều trị cho con. Hoặc họ quá giàu, không muốn có một đứa con như vậy.

 

Có những người mẹ khóc nức nở, nói tại sao lại như vậy, gia đình hai bên đâu có ai bị vầy, tôi không muốn sinh đứa trẻ này. Có người mang thai hộ, họ cũng muốn bỏ thai nhi. Và người ta thương cho đứa nhỏ. Nhiều người không biết rằng có thể sửa chữa dị tật này, em bé sẽ được mổ và giống như những em bé khác. Chúng tôi tư vấn và đưa ra những minh chứng để họ hiểu được điều đó. Gia đình cũng phải động viên, ủng hộ về tinh thần.

 

* Dị tật khe môi - hàm ếch không hẳn bế tắc nhất là trong bối cảnh y học phát triển như hiện nay, bác sĩ có lời khuyên thế nào với các bà mẹ có con trong trường hợp này?

 

- Đứa trẻ được can thiệp sớm thì kết quả sẽ rất tốt; có những em học rất tốt, có em lớn lên học cao học, có em du học ở nước ngoài. Tại bệnh viện chúng tôi có một bác sĩ từng bị sứt môi. Chúng ta phải nói để bà con hiểu, đừng bỏ con mình.

 

Việc sửa lại dị tật thì các nhà khoa học đã nghiên cứu, tính toán, chúng tôi chỉ là những người thừa hưởng thành quả nghiên cứu đó, làm sao để càng lúc càng tốt hơn. Kỹ thuật bây giờ rất tốt, rất tinh vi. Người ta đã nghiên cứu vì sao vá kín hàm ếch rồi mà đứa trẻ vẫn nói ngọng? Vì có những cơ rất nhỏ chưa được sửa chữa hoàn thiện. Hiện nay, tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã triển khai làm lại cử động của vòm miệng để đứa trẻ phát âm chuẩn hơn. Sau phẫu thuật, bé được tập phát âm; người mẹ được hướng dẫn dinh dưỡng…

 

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc dị tật này, vai trò của bác sĩ sản khoa rất quan trọng trong việc tư vấn cho thai phụ giảm công việc nặng nhọc, giảm stress, nâng cao sức đề kháng cơ thể..., loại trừ những yếu tố nguy cơ dẫn đến dị tật bẩm sinh.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

“Dị tật khe môi - hàm ếch thường gặp nhất trong các dị tật bẩm sinh, đại đa số là không kèm theo các dị tật khác và có thể điều trị từ rất sớm. Chúng ta đang hướng tới điều trị toàn diện, trong đó vá môi - hàm ếch là bước quan trọng nhất. Việc điều trị phải qua nhiều bước, rất may mắn là có những tổ chức như Operation Smile Việt Nam giúp bước căn bản nhất là vá môi, vá hàm ếch cho bệnh nhi.

 

Tham gia chương trình Nụ cười trẻ thơ, tôi không nghĩ là mình làm từ thiện. Làm từ thiện là những người bỏ tiền mà họ đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra để tài trợ cho hoạt động này. Nhờ những nhà tài trợ như SIKA, những tổ chức như Phẫu thuật Nụ cười làm cầu nối, y bác sĩ chúng tôi thực hiện sứ mệnh của mình. Chúng tôi cảm ơn họ”.

 

Bác sĩ Lê Trung Nghĩa

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek