Bệnh sốt xuất huyết ở Phú Yên gia tăng mạnh về số ca mắc và số ổ dịch; nguyên nhân không có gì mới, ngành Y tế đã nhiều lần chỉ ra nguyên nhân này đi kèm thông điệp “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết”. Một việc làm đơn giản nhưng vì sao người dân lại thờ ơ, để bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh?
Ngành Y tế phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xử lý ngay tại chỗ, phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch. Bác sĩ Nguyễn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho rằng, phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp phần ngọn, giải quyết trong tình thế cấp bách, về lâu dài vẫn là việc diệt bọ gậy.
Trong đợt kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết của Bộ Y tế tại Phú Yên vừa qua, TS Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, trưởng đoàn kiểm tra, cùng đoàn công tác đi thực tế tại xã An Ninh Tây (huyện Tuy An). Ông nhận thấy các hộ gia đình có tới 7 loại dụng cụ có chứa lăng quăng; các vật dụng ở đây rất đa dạng, tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, sinh sản và phát triển, trong khi từ 2-3 loại dụng cụ có bọ gậy là đã nhiều. TS Huỳnh Hồng Quang đánh giá: Nguyên nhân sốt xuất huyết gia tăng tại Phú Yên chính là do công tác diệt bọ gậy chưa hiệu quả.
Theo chỉ tiêu năm 2019, số ca mắc sốt xuất huyết/100.000 dân là 159,4 ca (tương đương 1.512 ca mắc) nhưng trong 7 tháng đầu năm, số ca mắc sốt xuất huyết là 3.371 ca. Huyện Phú Hòa có số ca mắc cao nhất tỉnh: 612 ca; huyện Tuy An có ca mắc tăng nhiều nhất: 70,3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Số ca mắc sốt xuất huyết nặng được ghi nhận là 9 ca, trong đó có 8 ca dưới 15 tuổi. Trên địa bàn tỉnh có 137 ổ dịch, tăng 109 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2018. |
Theo bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, ngành Y tế thấy rõ thực trạng này và cũng đã tập trung để giải quyết. TS Huỳnh Hồng Quang đánh giá cao sự chủ động của ngành Y tế Phú Yên trong công tác phòng chống dịch ngay từ đầu năm, xử lý các ổ dịch kịp thời, tổ chức đa dạng hoạt động truyền thông đến từng hộ gia đình sống trong vùng có bệnh sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, ngành Y tế chỉ xử lý về mặt chuyên môn, còn việc diệt bọ gậy nếu không có sự hưởng ứng của cộng đồng, sự vào cuộc mạnh mẽ từ các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương thì sẽ không mang lại hiệu quả, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Phú Yên khó được ngăn chặn, thậm chí còn tăng mạnh từ nay đến cuối năm. Thêm vào đó, thời tiết mưa nắng thất thường, bệnh sốt xuất huyết ở các tỉnh lân cận với Phú Yên như Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định cũng đang tăng mạnh, dễ dẫn đến nguy cơ bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gia tăng.
TS Huỳnh Hồng Quang chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bệnh sốt xuất huyết ở một số tỉnh miền Trung mà đoàn công tác đã đi kiểm tra. Người dân ngày nay cơ bản đã hiểu biết về bệnh sốt xuất huyết và biết rất rõ diệt bọ gậy là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, nhưng mới chỉ dừng lại ở sự hiểu biết mà chưa chuyển đổi hành vi. Các đoàn kiểm tra sốt xuất huyết ở các tỉnh sẽ lập biên bản nhắc nhở ở các hộ gia đình nếu phát hiện có bọ gậy. Đây là một biện pháp mang tính cảnh báo và sẽ có biện pháp “mạnh tay” hơn, nếu như lần sau kiểm tra lại tiếp tục phát hiện có bọ gậy. Đã đến lúc chúng ta cần có biện pháp mạnh hơn để thúc đẩy người dân thực hiện việc diệt bọ gậy ngay tại hộ gia đình, đơn giản vì đây là cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả và mang tính bền vững.
QUỐC HỘI