Thấm nhuần tư tưởng “Nam dược trị Nam nhân” (dùng thuốc nam trị bệnh cho người nước Nam) của đại danh y - thiền sư Tuệ Tĩnh, song song với việc khám chữa bệnh, các thầy thuốc y học cổ truyền tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách trồng và sử dụng thuốc nam để chữa một số bệnh thông thường.
Thầy thuốc bốc thuốc nam tại Trung tâm Ứng dụng thừa kế y học cổ truyền thuộc Hội Đông y tỉnh Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN |
Theo lương y Võ Đào Ninh, Chủ tịch Hội Đông y Phú Yên, tuyên truyền và hướng dẫn bà con sử dụng thuốc nam là việc làm thường xuyên của các cấp Hội Đông y ở Phú Yên. Hàng tháng, cán bộ Hội Đông y tuyến xã, huyện có những bài viết giới thiệu, hướng dẫn cách chữa một số bệnh thông thường bằng thuốc nam phát trên đài truyền thanh của xã, huyện để người dân biết, trồng thuốc nam và chữa những bệnh đơn giản cho các thành viên trong gia đình.
Không chỉ phối hợp với các trạm y tế xã/phường tạo lập vườn thuốc nam tại trạm, Hội Đông y còn phối hợp với các trường tiểu học, THCS tạo vườn thuốc nam tại trường. Gần 40 trường tiểu học, THCS trong tỉnh đã có vườn thuốc.
Theo báo cáo của Hội Đông y tỉnh Phú Yên, từ tháng 5/2018-5/2019, các cấp Hội thu hái hơn 29.100kg thuốc nam, chế biến gần 4.800kg cao đơn và trên 4.100 lít thuốc dạng nước để chữa bệnh tại các phòng chẩn trị, bốc hơn 982.100 thang thuốc cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, toàn Hội trồng được gần 32.700m2 dược liệu, trong đó có hơn 11.400m2 vườn thuốc tập thể, số còn lại trồng theo khóm thuốc gia đình. |
“Ở nông thôn, người dân sử dụng thuốc nam chiếm tỉ lệ cao. Bà con trồng các cây thuốc trong vườn để chữa một số bệnh thông thường”, lương y Võ Đào Ninh cho biết.
Lương y Lê Huy Kông, Chủ tịch Hội Đông y huyện Đông Hòa nói rằng khi y học của phương Tây chưa đến với người nước Nam và sau này, trong chiến tranh khốc liệt, thuốc tây khan hiếm, người dân vẫn dùng thuốc nam để giải cảm, chữa ho, chữa đau nhức, trặc đả… và không ít bệnh khác. Bao năm qua, bà con đã dùng thuốc nam để phòng bệnh, như sử dụng rau cỏ tốt cho sức khỏe, có ở quanh vườn làm thức ăn.
Trong “Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020” có nội dung “Thực hiện khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (hoặc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại) cho ≥ 30% số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã” (tiêu chí 7). Và trong hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí này có nội dung: “Có vườn mẫu thuốc nam với 40 loại cây thuốc trở lên theo nhóm bệnh phù hợp với địa phương. Đối với các trạm y tế khu vực thành thị, hoặc tại các xã mà điều kiện không cho phép, có thể sử dụng chậu mẫu thuốc nam, bộ tranh ảnh, hoặc các phương tiện khác để giới thiệu về thuốc nam”.
Lương y Lê Huy Kông nói: “Sử dụng tốt thuốc nam sẽ góp phần giảm quá tải cho các cơ sở y tế, bởi các bệnh thông thường đã được người dân tự chữa khỏi”. Theo lương y Kông, điều kiện thuận lợi của Đông Hòa là có Trung tâm Nghiên cứu & Sản xuất dược liệu Miền Trung đóng trên địa bàn, gom mua dược liệu và hướng dẫn bà con trồng các loại cây thuốc để bán, cải thiện đời sống. Thổ nhưỡng của Đông Hòa rất thích hợp để trồng những cây thuốc quý như dừa cạn, riềng, từ bi, thạch xương bồ, cam thảo Đá Bia…
Tại Trung tâm Ứng dụng thừa kế y học cổ truyền thuộc Hội Đông y tỉnh Phú Yên - nơi các thầy thuốc đông y đang khám chữa bệnh thiện nguyện, tủ thuốc của trung tâm này có 55 loại thuốc nam. Bên cạnh những cái tên quen thuộc như: táo nhơn, bình bát, ổi rừng, bồ đề dây, cỏ xước, bồ ngót, trinh nữ, cam thảo, cà leo gai, lá lốt, gai quýt, đinh lăng, rễ dứa, cỏ may… còn có vô số tên thuốc khá lạ tai đối với dân “ngoại đạo”, như: ô dước, dây vằng, cối xay, gai móc ó, thiên niên kiện, cây dung, cẩu tích, uy linh tiên… Theo lương y Nguyễn Sự, người phụ trách tủ thuốc này, hầu hết thuốc nam được thu hái tại Phú Yên, chữa những bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, như: đau nhức, tê nhức, đau thần kinh tọa, đau khớp, đau đầu, mất ngủ…
Đông y sĩ Nguyễn Trưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng thừa kế y học cổ truyền, nói: “Các thầy thuốc sưu tầm thuốc nam về, sao chế để điều trị cho bệnh nhân. Sử dụng đúng cây thuốc, sao chế đúng cách thì mang lại hiệu quả trong điều trị”.
YÊN LAN