Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2019 với chủ đề “Mẹ không có HIV - Con không nhiễm HIV” vừa kết thúc. Đây là cơ hội thúc đẩy các nỗ lực trong công tác dự phòng, chăm sóc, điều trị để hướng tới chấm dứt lây truyền HIV từ mẹ sang con.
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết: Năm 2019 là năm thứ 10 Việt Nam triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (từ ngày 1-30/6).
Chương trình này tập trung vào 4 nội dung: Dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, dự phòng mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV, điều trị dự phòng lây truyền HIV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, hỗ trợ bà mẹ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
Tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện gồm: tư vấn xét nghiệm cho phụ nữ mang thai, dự phòng bằng thuốc ARV cho mẹ và con, tư vấn hỗ trợ nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV, chăm sóc tiếp tục cho phụ nữ mang thai.
Ngay sau khi phát hiện nhiễm HIV, phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút (ARV) hoàn toàn miễn phí mà không phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng và CD4. Phác đồ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là phác đồ 3 thuốc ARV viên kết hợp.
Tiêu chuẩn điều trị và phác đồ mới này tạo điều kiện thuận lợi cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV tuân thủ điều trị và chỉ phải dùng thuốc ARV một lần/ngày. Bà mẹ dùng thuốc sớm ngay trong thời kỳ mang thai và tuân thủ điều trị tốt sẽ giúp làm giảm nồng động HIV trong máu, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang con.
Trẻ nhiễm HIV sau khi sinh ra sẽ được theo dõi chặt chẽ, được chẩn đoán sớm nhiễm HIV dưới 18 tháng tuổi bằng kỹ thuật xét nghiệm khuyếch đại gen (PCR) để phát hiện ADN của HIV. Đây là phương pháp chẩn đoán có thể phát hiện trẻ nhiễm HIV ngay trong thời kỳ sơ sinh.
Trước khi triển khai chương trình phát hiện sớm, tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV chỉ được xác định tình trạng nhiễm HIV khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Việc chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV cho trẻ đã giúp giải tỏa tâm lý cho gia đình trẻ, đưa trẻ nhiễm HIV vào chương trình điều trị kịp thời, giảm đáng kể tình trạng tử vong và giảm chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Khi trẻ được điều trị sớm sẽ giảm tải lượng vi rút trong máu, làm giảm đáng kể tình trạng nhiễm HIV cho trẻ khác trong cộng đồng.
Vì vậy, phụ nữ mang thai biết mình bị nhiễm HIV hoặc phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai và muốn sinh con đều cần được tư vấn và cần tuân thủ tốt việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế đăng ký càng sớm càng tốt để được điều trị dự phòng kịp thời, nếu điều trị muộn hơn kết quả sẽ bị hạn chế.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: Ở nước ta, ước tính trung bình mỗi năm có từ 1,5-2 triệu phụ nữ mang thai, với tỉ lệ nhiễm HIV khoảng 0,25-0,3% trong nhóm này thì mỗi năm có từ 4.000-6.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV.
Nếu không được can thiệp, mỗi năm sẽ có 1.500-3.000 trẻ bị nhiễm HIV ra đời. Nếu được chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp, tỉ lệ này sẽ giảm xuống dưới 5%, nghĩa là chỉ còn 150-200 cháu bị nhiễm HIV từ mẹ. Hàng ngàn cháu sẽ được cứu thoát khỏi HIV. Đây là con số hết sức có ý nghĩa về nhiều mặt.
Để hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch HIV ở Việt Nam, trong đó dự phòng lây truyền HIV đóng vai trò hết sức quan trọng, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ lây nhiễm HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030.
Theo kế hoạch hành động này, bộ sẽ tập trung rà soát, bổ sung và xây dựng chính sách, pháp luật, hướng dẫn, quy trình chuyên môn, cơ chế phối hợp giữa các chương trình, đơn vị tiến tới loại trừ 3 bệnh trên; đảm bảo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ, can thiệp loại trừ lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con một cách liên tục và có chất lượng.
Bên cạnh đó, nhận thức của các đối tượng can thiệp về dự phòng lây truyền ba bệnh từ mẹ sang con cần được nâng cao; xây dựng mạng lưới triển khai và có cơ chế theo dõi, đánh giá hiệu quả can thiệp…
Nếu không được can thiệp, mỗi năm sẽ có 1.500-3.000 trẻ bị nhiễm HIV ra đời. Nếu được chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp, chỉ còn 150-200 cháu bị nhiễm HIV từ mẹ.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ bà mẹ trẻ em |
NGỌC VIỆT