Bộ Y tế đang triển khai kế hoạch lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho công dân trên phạm vi cả nước. Đây là quá trình rất công phu, nhiều khó khăn song lợi ích mà hồ sơ sức khỏe điện tử mang lại là rất lớn.
Báo Phú Yên phỏng vấn Thầy thuốc Ưu tú, BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, về lộ trình lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân Phú Yên và một số vấn đề liên quan đến hồ sơ sức khỏe điện tử.
* Bác sĩ có thể cho biết về lộ trình triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân Phú Yên?
- Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho công dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong năm 2019 sẽ triển khai thí điểm tại địa bàn huyện Sơn Hòa, sau đó tiếp tục triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố còn lại, phấn đấu đến cuối năm 2020 có khoảng 30% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử; đến cuối năm 2025 có trên 90% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử và đến năm 2030 phấn đấu có trên 95-100% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Bộ Y tế đang bắt đầu triển khai Kế hoạch lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho công dân trên phạm vi cả nước. Bộ Y tế cũng đã nhận lời trong tháng 7/2019 sẽ giúp Phú Yên đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch này.
Tạo lập hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân là một quá trình rất công phu; những khó khăn trong giai đoạn đầu chắc chắn là không thể tránh khỏi.
Để xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu, ngành Y tế sẽ tổ chức đợt khám sức khỏe lần đầu để thu thập thông tin về tình hình sức khỏe hiện tại và tiền sử bệnh tật theo mẫu hồ sơ thống nhất do Bộ Y tế ban hành.
Mặt khác, chúng tôi cũng sẽ cập nhật, bổ sung vào hồ sơ sức khỏe điện tử các thông tin y tế có sẵn đang được quản lý tại các cơ sở y tế như: tiêm chủng mở rộng; phòng, chống suy dinh dưỡng; khám và quản lý sức khỏe học sinh, sinh viên; khám và quản lý sức khỏe người cao tuổi; khám và quản lý sức khỏe người khuyết tật; khám và quản lý thai nghén... Các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ tiếp tục cập nhật đầy đủ, kịp thời vào hồ sơ sức khỏe điện tử các thông tin y tế khi người dân đến khám, chữa bệnh thông qua việc liên thông, kết nối giữa các phần mềm.
Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc |
* Đâu là những lợi ích thiết thực của hồ sơ sức khỏe điện tử đối với người dân và thầy thuốc, thưa bác sĩ?
- Đối với người dân, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của mình liên tục, suốt đời, từ đó chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của bản thân. Ngoài việc tiết kiệm thời gian, người bệnh sẽ không phải lưu giữ nhiều giấy tờ quản lý sức khỏe, tạo thuận lợi trong quá trình tra cứu các tiền sử bệnh tật.
Về phía thầy thuốc, khi người dân đến cơ sở y tế, người thầy thuốc ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ cần một click chuột sẽ có đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó. Nhờ nắm bắt đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh tật của bệnh nhân nên thầy thuốc chẩn đoán bệnh sẽ nhanh chóng, chính xác, điều trị hợp lý.
Áp dụng hồ sơ sức khỏe điện tử cũng giúp giảm thiểu thủ tục khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng sự hài lòng của người bệnh.
* Theo bác sĩ, việc triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử tại Phú Yên có những khó khăn gì?
- Không chỉ riêng ở Phú Yên mà trên cả nước, các cơ sở khám chữa bệnh không sử dụng chung một phần mềm khám chữa bệnh. Vì vậy, để có thể thực hiện được việc liên thông, kết nối dữ liệu giữa các tuyến thì phần mềm hồ sơ sức khỏe và bệnh án điện tử phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin theo quy định của Bộ TT-TT và Bộ Y tế. Một khi đã đảm bảo điều kiện này thì việc liên thông dữ liệu sẽ không còn gặp khó khăn nữa.
Một bộ phận không nhỏ dân cư thường xuyên đi làm ăn ở xa nên việc thông báo để khám sức khỏe lần đầu, thu thập dữ liệu lập hồ sơ cũng sẽ gặp khó khăn.
* Người dân rất ủng hộ việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, đồng thời quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin bệnh nhân. Ngành Y tế sẽ bảo mật thông tin người bệnh như thế nào, thưa bác sĩ?
- Vấn đề bảo mật thông tin sức khỏe cá nhân từ lâu đã được pháp luật quy định. Khi triển khai áp dụng bệnh án điện tử, Bộ Y tế đã quy định phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại Luật An toàn thông tin mạng. Bộ Y tế cũng đã có những giải pháp kỹ thuật để bảo đảm khả năng kiểm soát truy cập của người dùng (nhân viên CNTT và nhân viên y tế) gồm xác thực người dùng, phân quyền người dùng theo từng vai trò công việc, thiết lập khoảng thời gian giới hạn cho phép người dùng truy cập vào phần mềm; bảo vệ, ngăn chặn việc truy cập trái phép vào hồ sơ bệnh án điện tử.
Chỉ có một số người theo quy định mới được quyền xem hồ sơ bệnh án điện tử. Những người này khi sử dụng thông tin trong hồ sơ bệnh án điện tử phải giữ bí mật và chỉ được sử dụng đúng mục đích như đã yêu cầu và được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho phép.
Phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử có khả năng ghi vết tất cả các giao dịch, tương tác của người dùng trên phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm: ngày, thời gian khi xem, nhập mới, chỉnh sửa, hủy, khôi phục dữ liệu, thông trong hồ sơ bệnh án điện tử...
* Xin cảm ơn bác sĩ!
YÊN LAN (thực hiện)