Bệnh dại do vi rút dại gây ra, lây truyền từ chó, mèo bị dại sang người qua vết cắn, cào hay qua vết thương dính nước bọt của chó mèo bị dại. Điều nguy hiểm là khi bị dại chắc chắn 100% tử vong vì hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu căn bệnh này.
Tuy nhiên, có thể phòng tránh được bệnh dại nếu mọi người tuân thủ các nguyên tắc phòng bệnh được các cơ quan chức năng khuyến cáo. Để phòng bệnh hiệu quả chỉ cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:
- Tiêm chủng phòng bệnh cho chó, mèo đầy đủ;
- Không để chó mèo cắn;
- Nếu người bị chó mèo cắn hay cấu cào thì phải tiêm phòng ngay.
Những khuyến cáo đó tưởng chừng đơn giản, vậy mà hàng năm, cả nước vẫn có hàng trăm trường hợp tử vong do bị bệnh dại. Đau đớn hơn, có những người tuy biết rất rõ mức độ nguy hiểm của căn bệnh này nhưng khi bị chó cắn, mèo cào thì vẫn chủ quan, không đi tiêm phòng, hậu quả là tử vong.
Tại Phú Yên, trong những năm gần đây, mỗi năm vẫn có vài trường hợp tử vong vì bệnh dại. Nguyên nhân là sau khi bị chó cắn, người dân chủ quan, nghĩ chó nhà hiền không sao; cũng có trường hợp tin vào thầy lang nên chữa bằng thuốc bắc, thuốc nam dẫn đến hậu quả là tử vong do bệnh dại.
Ngành Y tế Phú Yên đã triển khai rất nhiều biện pháp, từ truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức truyền thông đến từng hộ gia đình, thậm chí mở các hội nghị chuyên đề, giao trách nhiệm cho cả hệ thống chính trị nhưng bệnh vẫn xảy ra. Qua đánh giá chung cho thấy ở Phú Yên, việc thống kê chính xác đàn chó, mèo nuôi vẫn còn nhiều bất cập; tỉ lệ tiêm chủng cho chó, mèo còn thấp, chưa đến 30% tổng đàn. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ tiêm chủng cho chó phải đạt trên 85-90% tổng đàn mới có hiệu quả bảo vệ cho đàn chó đó. Hơn nữa, người nuôi chó mèo không tuân thủ nguyên tắc nuôi chó mèo mà cơ quan thú y khuyến cáo.
Tình trạng nuôi chó thả rông, hầu hết chủ chó khi đưa chó ra ngoài không đeo rọ mõm, không kiểm soát được chó khi đi ra ngoài đã và đang gây nguy cơ cao cho những người xung quanh. Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Trong nghị định nêu rất rõ các điều khoản xử phạt, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, hành vi nào thì bị xử phạt, ấy vậy mà hầu như chưa được áp dụng trong thực tế cuộc sống.
Nếu chúng ta đi về nông thôn hay chiều chiều đi dạo mát ở bãi biển Tuy Hòa sẽ thấy tình trạng nuôi chó thả rông, không xích chó, đưa chó ra ngoài không đeo rọ mõm… rất phổ biến. Tìm hiểu tình hình tiêm chủng cho chó ở cơ quan thú y tại các địa phương, chúng tôi được biết tỉ lệ rất thấp, hầu hết do không nắm được tổng đàn chó nuôi tại địa phương mình.
Như vậy, câu trả lời ở đây là không để chó mèo cắn. Để không bị chó mèo cắn thì phải kiểm soát được đàn chó mèo nuôi tại địa phương và thực hiện nghiêm Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu thực thi tốt thì chắc chắn sẽ không để bệnh dại xảy ra, cả nước không có hàng trăm người chết vì bị dại hàng năm, nhất là trong mùa nắng nóng như hiện nay.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên