Nhiều địa phương trong nước đang triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân (HSSKĐTCN) cho người dân; ở một số tỉnh, trên 80% người dân đã có HSSKĐTCN.
Tại Phú Yên, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, ngày 6/5/2019, Sở Y tế có Kế hoạch 759/KH-SYT lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2019. Theo kế hoạch này, trong năm 2019, tỉnh sẽ lập HSSKĐTCN cho tất cả người dân ở huyện Sơn Hòa, sau đó tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn tỉnh trong những năm sau.
HSSKĐTCN được hiểu là tất cả dữ liệu cá nhân liên quan đến sức khỏe, từ khi sinh ra đến khi chết đều được số hóa trên phần mềm điện tử thành một tập tài liệu lưu giữ trên hệ thống điện tử chung của quốc gia và thế giới. Nghĩa là các tài liệu liên quan đến sức khỏe của cá nhân, từ giấy khai sinh, chỉ số nhân trắc học, tình trạng tiêm chủng, lịch sử bệnh tật… tập hợp lại thành hồ sơ sức khỏe.
Những loại giấy tờ này nếu lưu giữ bằng giấy có khi phải chứa đầy một góc tủ hoặc một túi xách to, mỗi lần cần đến phải xuất trình, in sao…, rất bất tiện. Thay bằng những loại giấy tờ trên, các dữ liệu liên quan đến sức khỏe sẽ được tích hợp trên phần mềm dưới dạng tệp tin (file dữ liệu) gửi trên hệ thống dữ liệu chung của địa phương, quốc gia và thế giới.
Lợi ích của HSSKĐTCN là gì?
HSSKĐTCN rất tiện lợi, dễ quản lý, đơn giản về thủ tục, tiết kiệm được thời gian.
Với cá nhân: Sau khi lập HSSKĐTCN, mỗi người sẽ được cấp một mã số riêng trên một miếng composit nhỏ (giống như thẻ ATM). Khi muốn tra cứu thông tin về sức khỏe, họ chỉ cần nhập mã số vào phần mềm có trên internet thì các thông số sẽ hiện ra. Khi đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh, họ chỉ cần đưa hoặc đọc mã số của mình; nhân viên y tế nhập mã số là tất cả thông tin cần thiết liên quan đến người đó sẽ hiện ra.
Thay vì mỗi lần đến cơ sở y tế để nhận dịch vụ, người dân chỉ cần nhớ hoặc mang theo thẻ định danh của mình, hết sức gọn nhẹ. Đã có trường hợp người dân ở một địa phương thuộc Bắc Trung Bộ bị tai nạn, hôn mê, được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu. Nhân viên y tế tìm thấy thẻ định danh trong túi nạn nhân, nhập mã vạch và biết tất cả thông tin về nạn nhân, vừa thuận lợi trong cấp cứu vừa báo kịp thời cho người nhà.
Đối với nhà quản lý: Khi người dân có HSSKĐTCN, việc quản lý sức khỏe của người dân trong cộng đồng trở nên vô cùng đơn giản. Chỉ vài thao tác trên bàn phím máy tính là nắm được tất cả thông số về sức khỏe của người dân trong phạm vi quản lý, từ đó dễ dàng lập kế hoạch, triển khai các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nhanh hơn, thuận tiện và kịp thời hơn, đỡ tốn kém rất nhiều.
Đối với cán bộ y tế trong các cơ sở y tế: Khi tất cả người dân đều có HSSKĐTCN, cán bộ y tế sẽ đỡ tốn thời gian với các thủ tục hành chính, khai thác tiền sử… Họ có nhiều thời gian hơn để khám, tư vấn cho người bệnh, đặc biệt các trường hợp khám, giám định sẽ chuẩn xác hơn.
Làm thế nào để có được HSSKĐTCN?
Để có HSSKĐTCN cần phải có các bước thu thập số liệu, khám phát hiện các bệnh lý mãn tính, tình trạng tiêm chủng, yếu tố di truyền… Sau đó, các dữ liệu được nhập vào phần mềm và được tích hợp vào dữ liệu chung của quốc gia. Để đảm bảo chính xác, các địa phương cần tổ chức thu thập các dữ liệu về nhân khẩu học, khám phát hiện bệnh lý và các yếu tố liên quan… Vì vậy, cần có sự phối hợp của nhiều ngành như Y tế, Dân số, Tư pháp, Bảo hiểm xã hội và phải tổ chức khám, đánh giá tình trạng sức khỏe tại thời điểm lập hồ sơ.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên