Đái tháo đường (ĐTĐ) căn bệnh rối loạn chuyển hóa đường mãn tính do tuyến tụy không tiết được insulin hay có tiết insulin nhưng không đủ hoặc bị kháng với insulin dẫn đến mức đường glucose trong máu tăng cao. Hậu quả dẫn đến người bệnh bị nhiều biến chứng nguy hiểm do đường máu cao, bệnh đang có xu hướng tăng nhanh trên thế giới.
Đây là căn bệnh hết sức nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, tạo thêm gánh nặng trong phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia và trên toàn thế giới. Sau đây là 10 sự thật về ĐTĐ Tổ chức Y tế Thế giới nêu ra và đồng thời đưa ra biện pháp khắc phục.
1. Khoảng 422 triệu người trên thế giới bị ĐTĐ (thống kê năm 2012).
ĐTĐ tăng nhanh và không có dấu hiệu chậm lại trong 3 thập niên gần đây, đặc biệt tăng nhanh trong nhóm những người thừa cân, béo phì. Thống kê cho thấy ĐTĐ tăng nhanh ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
2. Bệnh ĐTĐ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 7 trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2012 có 1,5 triệu người chết do ĐTĐ, thêm vào đó 2,2 triệu người chết do các biến chứng mà nguyên nhân là do mức đường huyết cao như tim mạch, thận, mắt, tổn thương chi…
3. Có 2 loại (type) ĐTĐ chủ yếu đó là ĐTĐ không phụ thuộc insulin và ĐTĐ phụ thuộc insulin.
ĐTĐ type 1 là tụy không sản xuất được insulin, ĐTĐ type 2 là cơ thể kháng hoặc là tụy sản xuất không đủ insulin. Đối với ĐTĐ type 2 có thể ngăn ngừa được, còn ĐTĐ type 1 đến nay chưa biết được nguyên nhân và chưa có chiến lược phòng ngừa hiệu quả.
4. Một loại ĐTĐ thứ 3 được gọi là ĐTĐ thai nghén.
ĐTĐ thai nghén có đặc điểm là mức đường trong máu tăng quá cao so với mức bình thường và xuất hiện trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ bị ĐTĐ thai nghén dễ bị biến chứng trong thời gian mang thai và khi sinh đẻ. Những đứa con của các bà mẹ bị ĐTĐ thai nghén cũng có nguy cơ bị ĐTĐ type 2 trong tương lai.
5. ĐTĐ type 2 phổ biến hơn ĐTĐ type 1.
ĐTĐ type 2 chiếm phần lớn trong các trường hợp ĐTĐ (90-95%), những người có vòng bụng quá lớn và chỉ số khối cơ thể (BMI) cao có liên quan đến nguy cơ bị ĐTĐ type 2. ĐTĐ type 2 rất hiếm gặp ở trẻ em, nhưng hiện nay có xu hướng gia tăng.
6. Những người bị ĐTĐ có thể sống thọ, sống khỏe mạnh nếu được phát hiện sớm và quản lý tốt.
Nhóm các biện pháp phát hiện và quản lý ĐTĐ bao gồm: Điều chỉnh mức đường huyết bằng chế độ ăn, phối hợp với vận động thể lực và sử dụng thuốc khi cần thiết; quản lý huyết áp và lipide máu tốt sẽ giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch và các biến chứng khác như thận, mắt, cắt cụt chi… Vì vậy cần khám phát hiện sớm các biến chứng và điều trị sớm biến chứng sẽ rất có ý nghĩa trong điều trị ĐTĐ.
7. Chẩn đoán sớm và can thiệp sớm là khởi đầu tốt để sống chung với ĐTĐ.
Trong thời gian dài người bệnh ĐTĐ không được chẩn đoán sớm và can thiệp sớm, sẽ dẫn đến các biến chứng. Biện pháp cơ bản nhất là đo mức đường huyết trong máu, kỹ thuật này cần thực hiện tốt và thường xuyên trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.
8. Tử vong do ĐTĐ chủ yếu vẫn xảy ra ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.
Theo đánh giá chung thực hành chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình còn chưa được thuận lợi và đầy đủ đảm bảo giúp người bệnh quản lý tốt bệnh lý của họ (như thuốc thiết yếu, phương tiện cần thiết theo dõi…).
9. ĐTĐ là nguyên nhân quan trọng dẫn đến mù lòa, cắt cụt chi và suy thận.
Tất cả các loại ĐTĐ đều có thể dẫn đến các biến chứng ở nhiều bộ phận của cơ thể và làm tăng nguy cơ tàn phế sớm. Các biến chứng chủ yếu gồm đột quỵ, tai biến mạch máu, cắt cụt chân (do nhiễm trùng, hoại tử do loét chân), suy thận, mờ mắt do tổn thương thần kinh thị giác.
10. ĐTĐ type 2 có thể ngăn ngừa được.
Vận động thể lực đều đặn 30 phút mỗi ngày, chế độ ăn khỏe mạnh (ít mỡ động vật, nhiều hoa quả, lượng muối dưới 6g/ngày), hạn chế bia rượu, tránh xa thuốc lá có thể giảm tối đa nguy cơ bị ĐTĐ type 2.
BS NGUYỄN VINH QUANG (tổng hợp)