Ngày 14/5, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường vận động thể lực trong ngành y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, tại Việt Nam hiện nay, có khoảng 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng nhanh gánh nặng bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và làm giảm tuổi thọ của người dân.
Nhằm góp phần phòng, chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân, ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1092/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó vận động thể lực là một trong những lĩnh vực ưu tiên. Chính vì vậy, ngành y tế cần tiên phong thực hiện để tạo hành động lan tỏa đến từng người dân, cộng đồng và toàn xã hội.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thiếu vận động thể lực là một trong bốn yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Vận động thể lực đầy đủ sẽ giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20 - 40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong ngành tổ chức phát động và triển khai tập thể dục cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, đơn vị, bao gồm tập trong lúc giải lao của các buổi họp, giao ban; tập lúc giải lao buổi sáng, buổi chiều trong giờ làm việc.
Bài mẫu gợi ý tập thể dục giữa giờ (thời lượng 3 phút) đã được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo và đăng tải trên trang web của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế theo địa chỉ: http://t5g.org.vn
Theo TTXVN/Vietnam+