Trước đây, bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và hay xảy ra vào mùa đông - xuân, nay bệnh có thể xuất hiện ở người lớn. Không thể chủ quan với căn bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp này!
Trung tuần tháng 4 vừa qua, một thai phụ 28 tuổi ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) được đưa vào Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên với tình trạng sốt phát ban dạng sởi. Kết quả siêu âm: một thai sống trong lòng tử cung khoảng 26 tuần, nhau ối bình thường. Ba ngày sau, bệnh nhân đau bụng nhiều, ra máu âm đạo, được chỉ định siêu âm thai cấp cứu.
“Bệnh diễn tiến rất nhanh, khi chúng tôi mời bác sĩ chuyên khoa sản tới thì bệnh nhân đã sinh non một bọc thai 1,2kg; thai nhi chết sau đó 5 phút”, BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết. Khoa đã báo cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy mẫu máu xét nghiệm tìm kháng thể đối với vi rút sởi. Sau khi phục hồi, bệnh nhân đã xuất viện.
Đây là lần đầu tiên Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận một thai phụ bị sốt phát ban nghi sởi và có biến chứng dẫn đến sinh non. Sự việc trên cho thấy không thể chủ quan với những trường hợp sốt phát ban nghi sởi, và càng không thể coi thường căn bệnh truyền nhiễm này!
Theo y văn, vi rút sởi lây qua đường hô hấp, giai đoạn ủ bệnh kéo dài 10-14 ngày, sau đó bệnh khởi phát (từ 2-4 ngày) với các triệu chứng: sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có quầng ban đỏ trên niêm mạc miệng…
Thường thì sau khi sốt cao 3-4 ngày, cơ thể bệnh nhân bắt đầu phát ban. Nếu không có biến chứng thì bệnh tự khỏi. Cũng có những trường hợp bệnh nhân sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, bị phù nề tay chân, nhức mỏi toàn thân và thường có viêm phổi nặng kèm theo.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân sởi chỉ sốt thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít. Chính vì vậy, bệnh dễ bị bỏ qua và dẫn đến lây lan vi rút sởi cho người khác mà không biết.
Bệnh sởi có nhiều biến chứng, trong đó có biến chứng thần kinh như viêm màng não cấp tính, có thể dẫn đến tử vong; biến chứng bội nhiễm (hay gặp ở trẻ em, như viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm loét hoại tử miệng, tiêu chảy, viêm kết mạc, giác mạc, viêm cơ tim). Phụ nữ mang thai bị sởi có thể sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non, thai bị nhiễm sởi tiên phát...
“Bệnh sởi hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ, như vệ sinh da, mắt, miệng, họng; tăng cường dinh dưỡng; hạ sốt, bồi phụ nước, điện giải qua đường uống và đặc biệt là phải bổ sung vitamin A; khi có biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn thì phải dùng kháng sinh. Bệnh nhân sởi phải được cách ly, hạn chế việc tiếp xúc không cần thiết…”, bác sĩ Nguyễn Thành Lãm cho biết.
“Để phòng tránh bệnh sởi, phải tiêm vắc xin sởi đủ 2 mũi và đạt tỉ lệ trên 95% trong cộng đồng. Phụ nữ trước khi mang thai cần tiêm ngừa sởi đủ liều. Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Lãm khuyến cáo.
YÊN LAN