* Bác sĩ Phú Yên thực hiện thành công 6 ca can thiệp
Một bệnh nhân bị bóc tách động mạch vành phải vừa được điều trị tái tưới máu cơ tim bằng kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da trong đợt chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh cho Bệnh viện Đa khoa Phú Yên vào cuối tuần qua.
Trước đó, bệnh nhân N.H (56 tuổi, ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên thành dưới. Chụp mạch vành bằng DSA, bác sĩ can thiệp phát hiện động mạch vành phải của bệnh nhân H bị bóc tách.
Theo PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam, động mạch vành bị bóc tách khi mảng xơ vữa bị nứt vỡ và bong ra. Dòng máu đi qua xé, đẩy và lật mảng xơ vữa bị bong ra đó tạo thành một lớp màng hay vách giữa lòng mạch máu. Lúc này lòng động mạch sẽ có 2 lòng: lòng mạch thật và lòng mạch giả.
Để can thiệp thành công các trường hợp động mạch vành bị bóc tách, bác sĩ phải nhận định chính xác, đưa dây dẫn đi vào lòng động mạch thật, nong và đặt stent, tái thông dòng máu nuôi dưỡng cơ tim. Nếu nhận định không chính xác, đưa dây dẫn đi vào lòng động mạch giả thì sẽ gây bóc tách thêm, làm cho lòng mạch giả lớn thêm, có thể mất hoàn toàn dòng máu và bệnh nhân rơi vào nguy kịch.
“Trường hợp bệnh nhân N.H, việc đưa dây dẫn đi vào lòng động mạch thật hơi khó khăn, nhưng cuối cùng cũng thực hiện thành công. Chúng tôi đã nong và đặt 2 stent dọc theo các vị trí bị tổn thương, mở thông lại dòng chảy tốt trên động mạch vành phải”, PGS Hồ Thượng Dũng, thủ thuật viên chính, cho biết.
Theo PGS Hồ Thượng Dũng, đối với những trường hợp động mạch vành bị bóc tách, bác sĩ can thiệp phải hết sức thận trọng. Nếu vội vàng có thể đi vào lòng động mạch giả thì sẽ mất cả nhánh mạch vành, nên việc can thiệp những trường hợp bóc tách động mạch vành cần bác sĩ có kinh nghiệm.
Đợt chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da đầu tiên của năm 2019 diễn ra trong hai ngày 11-12/1. Ê kíp can thiệp của hai bệnh viện đã chụp mạch vành 16 ca, can thiệp 8 ca, trong đó có đến 6 ca nhồi máu cơ tim cấp. Các bác sĩ can thiệp Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã tự thực hiện thành công 6 ca.
Đáng chú ý, trong đợt chuyển giao kỹ thuật này có 2 trường hợp bị bóc tách động mạch vành. Ngoài bệnh nhân N.H, bệnh nhân H.V.C (65 tuổi, ở buôn Nhum, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh) cũng bị bóc tách động mạch phải; động mạch liên thất trước của ông C bị phình (đường kính lên đến 5mm) và bị hẹp khít ở đoạn gần. Bệnh nhân nhập viện khi đã qua “giờ vàng” can thiệp. Sau khi giải thích cho người nhà bệnh nhân, ê kíp đã mở vị trí bị hẹp khít trên động mạch liên thất trước; tổn thương bóc tách sẽ được can thiệp vào lần sau.
Một ca khác, mất nhiều thời gian can thiệp là trường hợp bệnh nhân N.V.K, 66 tuổi, bị nhồi máu cơ tim cấp, nhập viện trước đó một ngày. Kết quả chụp mạch vành cho thấy động mạch liên thất trước bị bán tắc; một nhánh nhỏ của động mạch này cũng bán tắc. Ê kíp can thiệp đã mở vị trí bán tắc, tái thông dòng máu cho động mạch liên thất trước.
YÊN LAN